Tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay

Thứ tư, 09/09/2020 15:22
(ĐCSVN) – Cuốn sách “Vấn đề Tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” do PGS.TS Đào Duy Quát làm chủ biên sẽ làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật.

Đặc biệt, cuốn sách đi sâu khảo sát thực trạng tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật ở Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và đảm bảo quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Tự do sáng tạo là một vấn đề thuộc về sinh mệnh của văn học nghệ thuật. Nó luôn luôn mở với hiện thực cuộc sống và luôn vận động như sự vận động của chính đời sống. Vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam đã được bàn thảo ở những mức độ khác nhau trong các công trình nghiên cứu có giá trị khi giải quyết một số vấn đề cụ thể hay liên quan đến các loại hình nghệ thuật hoặc mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và chính trị, văn hóa, hoặc sự tác động của cơ chế lãnh đạo, quản lý đối với văn học, nghệ thuật… Tuy nhiên, trong các công trình này, vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật chỉ được đề cập ở mức độ mang tính chất gợi mở vấn đề, chưa có một công trình nghiên cứu nào chuyên sâu.

Cuốn sách “Vấn đề Tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. (Ảnh: HL) 

Cuốn sách “Vấn đề Tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, gồm 3 chương: Những vấn đề lý luận về tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật; Thực trạng vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Những giải pháp cơ bản đảm bảo tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần phụ lục “Xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ mới – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, gồm những bài báo, tham luận khoa học, nghiên cứu đường lối văn hóa, văn nghệ Việt Nam của PGS.TS Đào Duy Quát đăng trên các báo, tạp chí từ năm 2000 đến năm 2018.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, đây là một cuốn sách đắc dụng. Nó cần thiết cho người lãnh đạo, quản lý, cần thiết cho các nhà sáng tác và công chúng yêu nghệ thuật. Cuốn sách như một lời đáp trực diện trước những vấn đề nóng bỏng của đời sống văn học, nghệ thuật đang đặt ra, nhất là vào lúc đổi mới tư duy đang được khích lệ, sinh hoạt dân chủ đang trở thành tập quán xã hội lành mạnh, quyền tự do cá nhân ngày càng được tôn trọng.

Hơn thế nữa, đây còn là một cuốn sách rất công phu về vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam. Các tác giả trong cuốn sách đã tiến hành một bước đột phá, đi sâu vào nội hàm của vấn đề; đồng thời đã lần đến nguyên bản xuất xứ của vấn đề, trình bày cặn kẽ nguồn gốc lịch sử, hình thành và phát triển của vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật qua các nền văn hóa lớn của Phương Đông và Phương Tây. Bên cạnh đó, xem xét, đối sánh qua các trào lưu mỹ học khác nhau, qua các thời đoạn khác nhau. Xuất phát từ quan điểm triết học Mác-xít, các tác giả đã khảo sát nhiều vấn đề từ chỗ đứng của ngày hôm nay. Do đó, cuốn sách mang giá trị thực tiễn sâu sắc.

Trong cuốn sách, các tác giả đã liên hệ sâu sắc thực tiễn sống động của Việt Nam, bảo vệ các quan điểm đúng đắn, phê phán những biểu hiện sai trái, với thái độ thẳng thắn. “Đây là cuốn sách đạt được ba yêu cầu căn cốt là cơ bản, hệ thống và giàu tính thực tiễn. Là cuốn sách đầy đủ nhất về vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam, có giá trị khoa học và sức thuyết phục cao” – Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đây còn là một công trình khoa học mở, người đọc luôn được đặt ở vị trí đối thoại. Trong cuốn sách, các tác giả đã hệ thống các quan điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, nhưng luôn tìm cách “mềm hóa” vấn đề, tránh võ đoán, khiên cưỡng, gò gẫm. Hơn nữa, các luận điểm đưa ra lại dựa trên các cuộc thăm dò xã hội làm căn cứ minh xác cho mọi luận giải về sau. Tự do sáng tạo không có mục đích tự thân, tự do sáng tạo luôn được đặt trong mối tương quan giữa chủ thể sáng tạo với khát vọng sáng tạo, giữa tự do sáng tạo với hiện thực trong mối quan hệ thẩm mỹ, giữa giải phóng tiềm năng với bản chất của nghệ thuật. Như vậy, tôn trọng tự do sáng tạo là sự chắp cánh cho ý muốn chủ quan trong việc khám phá bản chất của thế giới khách quan.

Bên cạnh đó, trong cuốn sách, các tác giả còn phân tích đến mối quan hệ giữa quyền của người sáng tạo với quyền của người tiếp nhận. Chính mối quan hệ tương tác này tao nên trạng thái mở của tự do sáng tạo, đó là: trình độ phát triển của xã hội và trình độ tiếp nhận của công chúng ngày càng cao, tự do sáng tác càng được mở rộng.

Có thể nói rằng, cuốn sách “Vấn đề Tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” rất cần thiết đối với các nhà lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật; các nhà sáng tác và công chúng yêu nghệ thuật. Cuốn sách đã chỉ ra một cách khoa học những giải pháp đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, đảm bảo hài hòa quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ với lợi ích chung của dân tộc.

PGS.TS Đào Duy Quát sinh năm 1945 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông nguyên là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương…

Ông là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên của nhiều tác phẩm như: Về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tư tưởng – Văn hóa, Hà Nội 1992; Nguyên lý công tác tư tưởng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2020; Cơ cấu biến đổi giai cấp xã hội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2020; Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2003; Về công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004, tái bản 2005; Tâm lý học tuyên giáo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009; Công tác tư tưởng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2010; Quản lý hoạt động tư tưởng – văn hóa, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2010; Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2013; Đổi mới và phát triển phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2015…


Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực