Việt Nam đã, đang và sẽ theo đuổi chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp

Thứ ba, 20/08/2019 22:54
(ĐCSVN) - Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) cho thấy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư được thừa nhận là khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức của di cư và quan trọng hơn, sẽ giúp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn, trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích của người di cư, vì nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngày 20/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu về quản lý di cư. Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành.

Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường quản trị di cư toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Tham dự Hội nghị có khoảng 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành và cơ quan ngoại vụ của một số tỉnh, thành phố phía Bắc. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhấn mạnh việc thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) cho thấy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư được thừa nhận là khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức của di cư và quan trọng hơn, sẽ giúp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn, trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích của người di cư, vì nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới. 

Là nước gốc, đồng thời là nước tiếp nhận của di cư quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, đàm phán, thông qua Thoả thuận GCM. Ông khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ theo đuổi chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, trong đó, hợp tác quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di cư.

Đánh giá cao việc Việt Nam tham gia tích cực Thoả thuận GCM ngay từ đầu, ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế cho rằng điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường nhận thức chung, trách nhiệm chia sẻ, thống nhất về mục đích trong lĩnh vực di cư, để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan. Theo ông David Knight, Thoả thuận GCM ra đời đúng vào thời điểm mà thế giới cần có sự hợp tác tự nguyện và vững chắc về di cư để đảm bảo đầy đủ sự an toàn và thịnh vượng của người di cư. Ông hy vọng rằng theo tinh thần đó, Việt Nam sẽ đưa vào triển khai trên thực tiễn 23 mục tiêu của Thoả thuận GCM. 

Đại sứ Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị 

Hội nghị gồm các phiên trình bày về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, quá trình Việt Nam tham gia, đàm phán, thông qua Thỏa thuận, các mục tiêu của Thỏa thuận và việc triển khai tại Việt Nam cũng như ở cấp độ toàn cầu. 

Hội nghị đã thảo luận về việc rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam về di cư quốc tế, góp phần xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM mang tính khách quan, chính xác, đảm bảo việc triển khai từ trung ương đến địa phương được đồng bộ và hiệu quả, qua đó thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. 
Tham dự Hội nghị có khoảng 60 đại biểu đến từ Tổ chức Di cư quốc tế, các bộ, ngành và địa phương.

Thông qua Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức liên quan sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề di cư quốc tế, nội dung của Thỏa thuận cũng như mối liên hệ giữa di cư với các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan liên quan cùng nhau rà soát, đánh giá các vấn đề chính sách di cư quốc tế để từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. 

Với vai trò là cơ quan của Liên hợp quốc về di cư và là đầu mối hỗ trợ các quốc gia triển khai Thỏa thuận GCM, IOM đã và sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này nhằm hoàn thiện chính sách quản lý di cư hiệu quả, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, phòng chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

Đây là Hội nghị đầu tiên mà Bộ Ngoại giao triển khai trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Thỏa thuận GCM trên toàn quốc trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ biến nội dung của Thỏa thuận đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan.

Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và hiện nay đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam. Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành.

 

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực