Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình của dịch COVID-19

Thứ ba, 03/03/2020 21:18
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra là các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, chiều  3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy...) được thực hiện nghiêm.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng 

thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TH.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Bộ trưởng cho hay, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú… bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó  phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.

Cách ly là giải pháp hàng đầu quan trọng

Tại cuộc họp báo, làm rõ thêm về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu, được quốc tế đánh giá cao. Chúng ta đã kiểm soát rất tốt tình hình của dịch COVID-19.

 Hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều đã có các kịch bản. 

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TH.

Thứ trưởng Long cho biết, ngay khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có những biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát, dừng việc miễn thị thực với công dân Hàn Quốc và cách ly tất cả người đến từ vùng dịch.

Chính phủ cũng chỉ định một số sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách Hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây, có khoảng 37 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.

Ông Long cũng nhấn mạnh trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng, chống dịch Covid-19 thì cách ly là giải pháp cực kỳ quan trọng, giúp khống chế dịch, không để lan tràn dịch trong cộng đồng.

Dẫn chứng bài học cách ly 4 vòng xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Thứ trưởng Long khẳng định đã phát huy hiệu quả. Đến nay, sau 21 ngày, Sơn Lôi không phát hiện thêm trường hợp nào. Đêm nay, Sơn Lôi sẽ được dỡ lệnh cách ly. 

Về khả năng cách ly của chúng ta, riêng hệ thống quân đội đã có trên 60 điểm cách ly với số lượng khoảng trên 30.000 người. 

“Chúng tôi đang điều phối cách ly tại tất cả các địa phương. Con số hiện nay có khoảng hơn 10.000 trường hợp cách ly tại những khu vực này”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho hay, hiện đã tính tới phương án giảm lượng cách ly ở khu vực này bằng hình thức phải giám sát về y tế, phiếu hỏi để chứng minh được rằng người được hỏi không đi qua vùng dịch. Đồng thời làm việc với gia đình, với chính quyền địa phương, với những đối tượng không đi qua vùng dịch để tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà để giảm cách ly tập trung, tránh tình trạng quá tải. 

Xung quanh ý kiến cho rằng đề xuất mới của Bộ Tài chính về mức chịu thuế thu nhập cá nhân và ngưỡng giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý, thậm chí “lỗi thời”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định, căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả./.

 Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng, cụ thể như sau:

Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát.

Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ. Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện; đặc biệt đã chi 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho chống dịch COVID-19…

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực