WHO: Dịch COVID-19 không thể kết thúc vào cuối năm 2021

Thứ ba, 02/03/2021 14:33
(ĐCSVN) – Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dù cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang tiến triển, song sẽ là phi thực tế khi cho rằng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một quan chức chính phủ ở Abidjan, Cote d'Ivoire, ngày 1/3. (Ảnh: Xinhua) 

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày ở trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1/3,, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của cơ quan này, ông Mike Ryan cho rằng, “vẫn còn rất sớm hay thậm chí là không thực tế, nếu cho rằng chúng ta sẽ kết thúc đại dịch vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cho rằng điều lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch, bằng việc giảm số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị và tử vong để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng y tế này. Theo nhận định của ông Ryan thì số ca nhiễm COVID-19 mới trong tuần trước đã quay đầu tăng trở lại sau nhiều tuần liên tiếp giảm trên phạm vi toàn thế giới. Và điều này đã củng cố nhận định rằng, khả năng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021 là không thực tế.

Chia sẻ lập luận trên, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO lưu ý rằng, mục tiêu của cơ chế COVAX là chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, chúng ta hiện vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn liên quan tới khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng đối với những người cần nhất trên phạm vi toàn thế giới.

“Tình trạng hiện nay của chúng ta đã được cải thiện hơn so với quá khứ. Song không có điều gì được bảo đảm”– ông Swaminathan nói.

Cũng trong ngày 1/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi thúc đẩy phân bổ công bằng vaccine trên phạm vi toàn thế giới, trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Theo số liệu thống kê do nhà lãnh đạo WHO đưa ra thì dự kiến vào cuối tháng 5/2021, sẽ có 237 triệu liều vaccine được phân bổ tới 142 nền kinh tế và các nước tham gia cơ chế COVAX. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới vẫn cần phối hợp để thúc đẩy việc phân phối vaccine tới các quốc gia đang bị cung ứng chậm do khoảng cách vẫn còn khá lớn. Chủ trương mà người đứng đầu WHO đề ra là công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ triển khai tại tất cả các nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021, tức chỉ còn khoảng 40 ngày. Qua đó, ông hoan nghênh những nước đầu tiên sử dụng vaccine trong chương trình COVAX như Ghana và Cote d'Ivore.

Tuy nhiên, ông Ghebreyesus chỉ ra một thực trạng đáng tiếc rằng nhiều quốc gia đang tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho những người trẻ hơn, những người trưởng thành khỏe mạnh hơn, có nguy cơ mắc bệnh thấp, hơn là những nhân viên y tế và người lớn tuổi trong quy mô dân số.

Theo lập luận của người đứng đầu WHO thì số các ca nhiễm mới COVID-19 trong tuần qua đã lần đầu tiên tăng trên phạm vi toàn cầu sau 7 tuần sụt giảm liên tiếp. Điều này có thể xuất phát từ việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng và sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2 tại nhiều nơi trên thế giới. Qua đó, ông nhấn mạnh tính cần thiết của việc duy trì các biện pháp y tế cộng đồng cơ bản chứ không chỉ đơn thuần dựa vào vaccine. Trong đó, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đối với mỗi cá nhân vẫn là không tụ tập, thực hiện giãn cách xã hội, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và lưu thông không khí một cách phù hợp./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực