Xây dựng nông thôn mới cần sự chung sức của nhân dân

Thứ ba, 27/07/2021 16:16
(ĐCSVN) - "Muốn xây dựng nông thôn mới thành công không chỉ dựa vào nguồn lực kinh tế mà cần phải có sự đầu tư công sức trí tuệ, sức sáng tạo của từng cấp từng ngành và sự đồng tình ủng hộ chung sức, đồng lòng của nhân dân” – đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu.

Sáng ngày 27/7, thảo luận ở Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu đề nghị tăng vốn đầu tư cho chương trình; phân khai, phân cấp, sử dụng nguồn lực phù hợp không dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung gây lãng phí nguồn lực. 

Băn khoăn về tỷ lệ nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương 

Một trong nhiều nội dung được các đại biểu cho ý kiến là về nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắc Lắk) bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ bố trí nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4% trong cơ cấu tổng thể nguồn lực) để thực hiện Chương trình trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, chúng ta chưa biết đến thời điểm nào kết thúc, khi mà các địa phương đang sử dụng mọi nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội.

Về cơ chế hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho các địa phương trong giai đoạn tới, đại biểu Nguyệt đề nghị Chính phủ xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ cần tính đến đặc thù của từng vùng miền, trong đó chú trọng vùng miền núi, Tây Nguyên để bố trí nguồn vốn như diện tích tự nhiên khu vực nông thôn, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số để giúp cho người dân ở những khu vực thực sự khó khăn có thêm nguồn lực để triển khai thực hiện mục tiêu Chương trình đề ra.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình OCOP tại Thông tư số 08 của Bộ Tài chính theo hướng mở rộng nội dung hơn như hỗ trợ bao bì, trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng...Tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng băn khoăn khi dự kiến ngân sách Trung ương bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 chỉ bằng 61% so với giai đoạn 2016 – 2020. Ông đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ các địa phương vẫn còn phải cân đối ngân sách từ Trung ương, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách dự kiến gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19.

Góp ý về cơ cấu nguồn vốn ngân sách thực hiện giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị tăng tỷ lệ vốn sự nghiệp cho chương trình vì trong giai đoạn vừa qua chương trình đã tập trung nhiều cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giai đoạn tới các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo đại biểu, xây dựng nông thôn mới khó khăn nhất hiện nay vẫn là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã.. 

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì giao từng năm cho các địa phương. Bởi lẽ, nhiều công trình hạng mục sự nghiệp cần đầu tư trong nhiều năm như: công trình nước sạch, tập trung, công trình xử lý ô nhiễm môi trường.. cần hỗ trợ cho người dân hợp tác xã trong 2 -3 năm. “Từ nguyên nhân này trong những năm qua nhiều địa phương triển khai thực sự chưa hiệu quả đã không kịp giải ngân vốn phải hoàn trả lại cho Trung ương” – đại biểu cho biết.

Cần sự đầu tư công sức trí tuệ, sức sáng tạo của từng cấp, từng ngành

 Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long), việc lãnh đạo xây dựng và triển khai các nội dung, giải pháp trong giai đoạn mới phải vừa hướng đến thực hiện những tiêu chí mới ở mức độ cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa, vừa ưu tiên khắc phục cho được những hạn chế bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các tiêu chí của giai đoạn vừa qua như: xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản mà nguyên căn của nó là căn bệnh chạy theo thành tích một số địa phương làm mất cân đối nguồn lực chung trên phạm vi cả nước.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới trong 2 giai đoạn vừa qua, đại biểu nhấn mạnh, muốn xây dựng nông thôn mới thành công không chỉ dựa vào nguồn lực kinh tế mà cần phải có sự đầu tư công sức trí tuệ, sức sáng tạo của từng cấp từng ngành và sự đồng tình ủng hộ chung sức đồng lòng của nhân dân. “Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã khó giữ vững thành quả đã đạt được càng khó khăn hơn” – đại biểu cho biết.

Vị nữ đại biểu cũng nhìn nhận, trong giai đoạn 2021-2025 chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khá nặng nề, đòi hỏi phải có sự tập trung rất lớn, rất quyết liệt. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ tập trung thực hiện các tiêu chí mới ở cấp độ cao hơn cấp thiết hơn khi hầu hết các xã còn lại trong lộ trình giai đoạn mới là những xã khó khăn, địa bàn rộng, nhiều địa phương đang chịu sự ảnh hưởng khốc liệt của tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển xâm nhập mặn. Mặt khác, chúng ta còn phải tính toán cân nhắc để dành nguồn lực đầu tư đúng mức cho việc nâng cấp, duy tu, sửa chữa các hạng mục cơ sở hạ tầng đã xuống cấp ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phân cấp, sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung gây lãng phí nguồn lực. Trước mắt, ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực kịp thời để các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư rà soát quy hoạch thủy lợi xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp có đủ nguồn vốn đầu tư xử lý ngay những đoạn sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng...

Trong khi đó, về cách làm và những điều cần đổi mới khắc phục trong giai đoạn sắp tới của chương trình này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội)  đề nghị tăng cường phân cấp và có giám sát hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện, cần điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với đặc thù của từng vùng miền giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống, đảm bảo phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường và quy hoạch chung. 

Đặc biệt, cách tổ chức thực hiện nông thôn mới cần chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, tăng chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân, tăng thu nhập cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng, số lượng.

Đại biểu cũng lưu ý, cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn linh hoạt hơn, cần trang bị các kiến thức về thị trường về hội nhập quốc tế và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để có những chương trình hiệu quả hơn, thiết thực hơn cho cán bộ, địa phương và người dân…/.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực