Bảo hiểm xã hội Tây Ninh “đột phá trong cải cách thủ tục hành chính”

Thứ năm, 11/08/2022 10:55
(ĐCSVN)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, sử dụng phần mềm nghiệp vụ, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong các thủ tục hành chính, mang đến sự hài lòng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến 

Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hoá mục tiêu cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và đơn vị. Theo đó, BHXH tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách TTHC, bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và nhân dân.
 

leftcenterrightdel
Chị Lê Thị Ngọc Ánh – nhân viên Công ty Cổ phần Khoai mì Tây Ninh nộp hồ sơ điện tử BHXH, BHYT cho người lao động 

Ông Võ Văn Thảo - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, công tác cải cách hành chính được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BHXH tỉnh. Với mục tiêu đơn giản hoá TTHC, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng, góp phần tăng hiệu quả hoạt động, BHXH tỉnh đã rà soát từng thủ tục, quy trình thực hiện tất cả lĩnh vực nghiệp vụ, rút ngắn quy trình xử lý, giảm chi phí, thời gian giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động. Song song đó, ngành còn đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan, kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian đi lại và chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. “Việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua tử nhằm nâng cao tỷ lệ giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực, thu, cấp sổ, thẻ, giải quyết chế độ BHXH, đồng thời duy trì tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại bộ phận “Một cửa” từ tỉnh tới huyện và qua dịch vụ bưu chính công, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”- ông Thảo cho biết. 

Theo đó, thay vì đến trụ sở BHXH để làm TTHC như: đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản… cho người lao động, doanh nghiệp chỉ cần ở tại công ty và thực hiện các thao tác trên máy tính có kết nối internet, tải lên phần mềm hỗ trợ kê khai BHXH. Các file thông tin này sẽ được BHXH tỉnh tiếp nhận và xử lý. Mới đây, giữa BHXH và Cục Thuế tỉnh đã có kế hoạch liên ngành nhằm chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin trả thu nhập từ tiền lương, các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và quản lý thu thuế, tổ chức trả thu nhập trong việc thu BHXH và thu thuế.

Tính đến nay, BHXH có 25/25 TTHC được niêm yết tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC trên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh. Tỷ lệ giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đạt 93,26%; lĩnh vực giải quyết các chế độ BHXH đạt 97,6%.
 

leftcenterrightdel
Cán bộ BHXH Tây Ninh hướng dẫn người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số 

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh triển khai khảo sát, lấy ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về thái độ phục vụ của viên chức, người lao động khi hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, như: có thái độ giao tiếp lịch sự, trả lời, hướng dẫn tận tình, tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc; có thái độ giao tiếp lịch sự, trả lời, hướng dẫn tận tình, tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ sớm hơn thời hạn quy định; theo dõi, tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC trên hệ thống phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời gian qua, quá trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị luôn được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đạt được sự hài lòng của người dân, tổ chức khi đến liên hệ công tác.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, BHXH tỉnh đặt ra các chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm; thực hiện công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người hưởng; hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHTN.

Theo ông Võ Văn Thảo- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để thực hiện các chỉ tiêu trên, ngoài việc công bố và niêm yết công khai 25/25 TTHC, ngành phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID -19, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết các chính sách hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Cán bộ BHXH Tây Ninh hướng dẫn người lao động làm thủ tục online nhận gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp trong năm 2021 

Tính đến ngày 31.12.2021, có hơn 2.127 đơn vị sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, tương ứng 189.225 lao động với số tiền 29,9 tỷ đồng. Xác nhận 76.967 lao động/344 đơn vị được hưởng các chính sách, trong đó 56.051 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.101 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ; 120 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19; 13.695 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất. Ngoài ra, BHXH còn giải quyết cho 06 đơn vị/4.787 lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, với số tiền gần 6,8 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 28/2021/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tỉnh hoàn thành chi hỗ trợ sớm theo kế hoạch cho hơn 204.299 lao động, với số tiền 470,2 tỷ đồng; chi qua tài khoản cá nhân cho hơn 203.883 người lao động, với số tiền 469,269 tỷ đồng (đạt 99,8%); thực hiện giảm mức đóng BHTN (từ 1% xuống 0%) cho 1.790 đơn vị (192.234 lao động), tương ứng với số tiền trên 14,612 tỷ đồng. Dự kiến số tiền giảm đóng BHTN đến ngày 30.9.2022 trên 89,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, BHXH tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm tại các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám, chữa bệnh; phối hợp Công an tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến hết tháng 5.2022, còn 216 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHTN và BHYT từ 3 tháng trở lên, với số tiền gần 28 tỷ đồng.

Song song đó, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, giám sát chặt chẽ việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tăng cường quản lý dược và vật tư y tế bằng BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia, không để xảy ra tình trạng bội chi Quỹ BHYT; tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp cùng các chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong thời gian dịch COVID -19, bảo đảm thuận tiện cho người thụ hưởng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử; tích cực huy động dịch vụ công và nâng cao chất lượng thực thi đạo đức công vụ là một trong những giải pháp trọng tâm của BHXH.

Ông Thảo nhận định: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách hành chính nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính đã kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa ngành BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động. Chính điều này tác động tích cực vào đời sống xã hội, góp phần tạo sự thân thiện, an toàn, minh bạch. Những thành quả đạt được không chỉ góp phần thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách TTHC, mà còn góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh”. 


CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực