Đổi mới cách tiếp cận về tư duy thị trường năng lượng tại Việt Nam

Thứ hai, 09/12/2024 10:19
(ĐCSVN) - Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức ngày 6/12/2024, các đại biểu cho rằng, để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, cần có một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường.
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn. Dù có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than. Điều này không chỉ làm gia tăng phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra áp lực lớn đối với môi trường.

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn. 

Đặc biệt, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho thị trường năng lượng vẫn chưa thực sự đồng bộ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng nêu nhiều điểm nghẽn trong bảo đảm an ninh năng lượng hiện nay như: nhu cầu năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Đặc biệt, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước còn hạn chế, dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Việc trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Dự báo, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Điều này cho thấy, phần lớn năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.

PGS.TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo. Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện. Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường.

Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có sự quan tâm, đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực