Huyện Di Linh (Lâm Đồng): Tạo thế và lực cho giai đoạn phát triển mới

Thứ hai, 18/01/2021 15:47
(ĐCSVN)- Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020) và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện khóa XI trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn; song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ban, ngành tỉnh cùng sự quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Di Linh nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tốc độ tăng bình quân tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Di Linh 5 năm qua đạt 8%; Trong đó: lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng bình quân 5,4%; công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 10%; thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,6%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 1.593,1 tỷ đồng, đạt 140,35% so với Nghị quyết đề ra, tăng 3% so với thu ngân sách giai đoạn 2010-2015.

Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản đã có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%, phát triển khá toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; hầu hết các chỉ tiêu về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế tập thể, thủy lợi đều vượt so với kế hoạch; đặc biệt sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển về chất: đó là đã tập trung phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích làm mục tiêu chủ yếu. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở: hệ thống điện và các dự án nguồn điện; quy hoạch và phát triển năng lượng; đầu tư nâng cấp các tuyến đường ống, tiết diện đường ống, bồn cấp nước sạch cho các thôn;... nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Thương mại - dịch vụ phát triển khá ổn định. Hệ thống bán lẻ và dịch vụ phát triển, hiện tại tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và có 1 đến 2 cơ sở bán lẻ hàng hóa như một cửa hàng bách hóa tổng hợp với đầy đủ các mặt hàng kinh doanh. Kết quả, trong giai đoạn vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 37 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.860 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm đạt 13,4%, tăng 2,12% so với giai đoạn 2010-2015.

Nhờ việc triển khai thực hiện quyết liệt của ban ngành các cấp, cùng sự đồng thuận nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Di Linh nên Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến khá tích cực. Hiện nay, toàn huyện có 16/18 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 88,8%), 01 xã đạt NTM nâng cao, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu, 22 thôn đạt kiểu mẫu; tăng 12 xã NTM và 22 thôn đạt NTM kiểu mẫu so với đầu nhiệm kỳ.

Dấu ấn của huyện Di Linh trong nhiệm kỳ qua còn được thể hiện rõ ở vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Thường trực HĐND huyện, UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban và đơn vị liên quan trong thực hiện hiệu quả đầu tư phát triển. Theo đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từng bước đi vào nề nếp và nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả các công trình và nguồn vốn đầu tư. Tổng nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn là 791 tỷ đồng, đạt bình quân 158,2 tỷ đồng/năm, tăng 48 tỷ đồng so với giai đoạn 2010-2015.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được huyện đẩy mạnh thông qua việc lập danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn; đồng thời thường xuyên quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu hoặc triển khai thực hiện các dự án. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện có 57 dự án đầu tư ngoài ngân sách trên 04 lĩnh vực chính với 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 52 dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước, với tổng vốn là 7.253 tỷ đồng, diện tích là 4.639,74ha. Cũng trong giai đoạn này, huyện đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác quy hoạch - quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, giao thông, góp phần xây dựng diện mạo huyện Di Linh ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời đáp ứng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Văn hóa - xã hội ổn định

Cùng với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục luôn được giữ vững và tiến bộ qua từng năm học. Duy trì tốt chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở các cấp học hàng năm được nâng lên. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đầu tư thực hiện hiệu quả, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, tăng 38 trường đạt chuẩn so với năm 2015.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm triển khai, nhất là chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất tại trung tâm y tế và các trạm y tế cơ sở nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn y tế quốc gia. Tình hình dịch bệnh phát sinh đều được kiềm chế hiệu quả; đặc biệt huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nên đến nay trên địa bàn huyện không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19.

Không chỉ vậy, huyện còn quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, bình quân từ 3.000-3.500 lao động hàng năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 85%; đào tạo nghề bình quân hàng năm từ 2.800 - 3.200 lao động, góp phần giải quyết việc làm cho các lao động tại chỗ, cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, tham gia xuất khẩu lao động.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện từ 10,13% vào đầu năm 2016 giảm xuống còn 2,5% vào năm 2020. Số hộ thoát nghèo trong giai đoạn là 2.699 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS là 1.963 hộ.

Chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác trợ cấp xã hội đối với các đối tượng người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo,… cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm ổn định. Vai trò quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng và triển khai kế hoạch cả nhiệm kỳ và hàng năm tại cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách. Công tác cải cách hành chính thực hiện khá hiệu quả; từ đầu năm 2016 đến nay huyện đều nằm trong 5 đơn vị cấp huyện nhóm đầu thực hiện tốt công tác CCHC với chỉ số CCHC hàng năm đạt cao.

“Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Di Linh có quyền tự hào và phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật đã đạt được. Song toàn hệ thống chính trị huyện Di Linh không cho phép “thỏa mãn” với những thành tích đã đạt được, mà luôn lấy đó làm thế và lực để Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, phấn đấu nỗ lực đưa huyện nhà trở thành một trong những huyện mạnh của tỉnh Lâm Đồng trong nhiệm kỳ 2020-2025, trước mắt là đạt chỉ tiêu Huyện nông thôn mới vào năm 2023” - ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh chia sẻ.

Để đạt mục tiêu đó, huyện Di Linh xác định quyết tâm hết sức, với sự thống nhất, đoàn kết cao trong hệ thống chính trị toàn huyện, với tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức từ huyện đến các xã, thị trấn, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: sản xuất nông-lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến… với phương châm “Xem nhà đầu tư như khách hàng” để đa dạng hóa trong huy động các nguồn lực và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh hiện có, từ đó nâng cao tiềm lực nội tại, giúp huyện ngày càng phát triển đi lên đúng theo định hướng./.

TP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực