Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu): Chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững

Thứ hai, 07/06/2021 18:00
(ĐCSVN)- Với chủ trương đúng đắn, nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với từng địa phương, không chạy theo thành tích, huyện Hồng Dân đã huy động tốt các nguồn lực, nhất là huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Hồng Dân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Huyện Hồng Dân là một huyện vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Bạc Liêu, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh, nếu như cách đây 5, 6 năm nói Hồng Dân sẽ trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2019 chắc không ai dám tin. Thế nhưng, kết quả lại mang đến nhiều bất ngờ: Tính đến cuối tháng 9/2019, Hồng Dân có 8/8 xã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM; đến tháng 8/2020, huyện Hồng Dân có 1 xã (xã Ninh Thạnh Lợi A) được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đến cuối tháng 9/2020 đã hoàn thiện hồ sơ NTM nâng cao cho 7 xã (Ninh Hòa, Lộc Ninh, Ninh Quới, Ninh Quới A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Ninh Thạnh Lợi) đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2020. Kết quả này là sự kết tinh của tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Người người đồng lòng, nhà nhà cùng quyết tâm, từ các phong trào giúp nhau làm kinh tế, xây dựng vườn, nhà xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường đến hỗ trợ hộ nghèo, hiến đất xây trường học, làm đường đều được sự đồng thuận cao. Từ đó bộ mặt kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của huyê%3ḅn đã có nhiều thay đổi tích cực và ngày càng khởi sắc. Nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa, đảm bảo ô tô đến trung tâm các xã; hệ thống thủy lợi, lưới điện được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ dân sinh. Hệ thống mạng lưới trường lớp cơ bản được sắp xếp một cách hợp lý theo hướng giảm dần các điểm trường lẻ; quy mô các cấp học, bậc học phát triển ổn định; cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Toàn huyện hiện có 08 Trung tâm văn hóa - khu thể thao xã, 71/71 nhà văn hóa - khu thể thao ấp đã được duy trì và nâng cấp các hạng mục công trình đưa vào sử dụng đạt hiệu quả đúng quy định, có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và sinh hoạt cộng đồng khác; có 5/8 xã đã có chợ nông thôn, góp phần phục vụ mua bán tập trung, trao đổi hàng hóa của người dân; có 08 đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát; 08 điểm Bưu điện văn hóa xã có điểm truy cập Internet; 04 thư viện điện tử xã;…

Cơ cấu nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, nhất là sản phẩm thế mạnh của huyện (nuôi trồng thủy sản, lúa gạo, …). Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, (bền vững) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Khai thác lợi thế của các địa phương, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đến nay huyện có 05 sản phẩm đã qua hội đồng đánh giá đạt 3 sao gồm: Chả cá thát lát, cá thát lát tẩm gia vị xả nghệ, Gạo Một bụi đỏ, Chả lụa và Khô trâu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, qua kết quả khảo sát cuối năm 2020 là 58,7 triệu/người/năm.

leftcenterrightdel
Nông dân huyện Hồng Dân trúng mùa tôm càng xanh 

Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện như: Mở 156 lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, có 4.680 người tham dự. Từ đó, tỷ lệ người có khả năng lao động có việc làm không ngừng được tăng lên cả về số lượng cũng như chất lượng. Tính đến nay, huyện tạo việc làm mới cho 66.386 lao động, đạt 95,89% so tổng số lao động trong độ tuổi. Thông qua các hình thức đào tạo; dạy nghề cho 44.016 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay đạt 63,58%.

Công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị quan tâm, các chính sách chăm lo hộ nghèo được triển khai thực hiện rộng khắp và kịp thời. Kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2019, đã giảm nghèo 4.035 hộ; hạ tỷ lệ nghèo từ 17,49% (4.361 hộ nghèo) đầu năm 2016, giảm xuống còn 0,41% (114 hộ nghèo) năm 2020.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, tất cả các xã thị trấn trong huyện đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo chuẩn quốc gia đạt trên 70%; Đối với rác thải sinh hoạt các xã hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ đô thị thị xã thu gom, vận chuyển ở những tuyến đường trung tâm, tần suất thu gom trung bình 2 đến 3 lần/tuần; Tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90%; 100% rác thải thu gom được xử lý.

Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Quan điểm của huyện xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là quá trình xuyên suốt, lâu dài, chỉ có điểm xuất phát chứ không có diểm dừng, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn của huyện Hồng Dân. Chính vì vậy, trong năm 2021, huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu Chương trình đã đề ra là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn hiện đại (phát triển), dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp- văn minh; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2021 có 7/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1/8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo lĩnh vực văn hóa (Xã Ninh Thạnh Lợi A)./.

 

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực