Huyện Tân Phú ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ ba, 17/05/2022 15:44
(ĐCSVN)- Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đem lại nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội cho ngành giáo dục. Linh hoạt, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh của thời đại nhằm đáp ứng sự quan tâm và kỳ vọng của Nhân dân đối với sự nghiệp “trồng người” trong tình hình mới, ngành giáo dục huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực thực hiện mô hình “Chuyển đổi số gắn với nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, giáo viên trong toàn ngành giáo dục” và sau một năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Ông Bùi Minh Thiệp - Trưởng Phòng GDĐT phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác dạy và học trực tuyến năm học 2021-2022 

Để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy, thời gian qua, Phòng GD&ĐT, các trường học trực thuộc đã phối hợp với các đơn vị VNPT và Viettel chi nhánh Phú Tân đẩy mạnh kết nối Intenet băng thông rộng. Đến nay đã có trên 100% số cơ sở giáo dục sử dụng song song đường truyền Internet cáp quang với tốc độ cao của VNPT và Viettel đảm bảo mạng thông suốt, ổn định, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Phát huy cơ sở  hạ tầng CNTT đã có, Phòng GD&ĐT tiếp tục quan tâm và đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục với suất đầu tư tăng dần; trong đó chủ yếu là mua sắm máy chiếu, ti vi, camera, micro,… Tính đến nay, các trường tiểu học và trung học cơ sở được trang bị 185 phòng học trực tuyến và các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy như: máy vi tính, máy in, máy photo, máy chiếu, camera,…  Số lượng cơ sở vật chất này đã góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác điều hành, quản lý và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy - học 

Cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở CNTT, ngành GD&ĐT huyện Phú Tân còn chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhằm thực hiện hiêu quả công tác quản lý, giảng dạy và quản lý học sinh… Theo đó, Phòng GD&ĐT đã tổ chức 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán; các trường tiểu học, THCS đã tổ chức 134 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tập trung những nội dung cơ bản như: Kỹ năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn bài giảng, trình chiếu, dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến; Kỹ năng xây dựng bài giảng E-learning, khai thác nguồn học liệu mở, tìm kiếm thông tin trên Internet,…; Kỹ năng cài đặt hệ điều hành, các ứng dụng cơ bản, khắc phục những lỗi thường gặp trong quá trình sử dụng các phần mềm; Kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng, kỹ năng khai thác, quản lý và sử dụng các phần mềm quản lý trong nhà trường,… Qua tập huấn, đa số giáo viên đều được trang bị những kỹ năng sử dụng các phần mềm trong việc quản lí dạy học; ứng dụng được các phầm mềm dạy học, tổ chức kiểm tra bằng hình thức trực tuyến; có phương pháp dạy học trực tuyến cơ bản đáp ứng với hoạt động dạy học hiện nay. Đối với những giáo viên còn yếu về CNTT, nhà trường bố trí người hỗ trợ, cập nhật thêm kiến thức, kĩ năng,… đến nay đã cơ bản đáp ứng được việc dạy - học trực tuyến.

Đến nay, các trường học đã triển khai ứng dụng có hiệu quả nhiều phần mềm CNTT trong điều hành và quản lý hành chính như: Phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục (http://csdl.moet.gov.vn); Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức MISA QLCB (camau.qlcb.vn); Phần mềm tuyển sinh đầu cấp (VNPT: https://camau.tsdc.vnedu.vn); Phần mềm quản lý tài sản; Phần mềm kế toán MISA; Phần mềm Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. (http://pcgd.moet.gov.vn); Phần mềm đánh giá chuẩn giáo viên (https://temis.csdl.edu.vn);...

Nhờ việc thực hiện tốt công tác ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý, hiện nay các loại hồ sơ, sổ sách phục vụ cho công tác dạy - học và quản lý đã được số hóa giúp việc truy cập thực hiện nhanh chóng, chính xác, số liệu được cập nhật đầy đủ phục vụ tốt tổng hợp các báo cáo thống kê và hỗ trợ lập kế hoạch; có 41/41 trường đang sử dụng văn phòng điện tử (ioffice); trên 95% các cuộc họp, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo với các trường học trực thuộc được thực hiện bằng hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí và thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống e-mail miễn phí với tên miền @camau.edu.vn để bảo đảm tính bảo mật và đồng bộ trong việc trao đổi thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học cũng đã có website, một số trường có trang fanpage để cập nhật các hoạt động cũng như thông tin các vấn đề liên quan đến giáo viên, phụ huynh và học sinh; ngoài ra, việc theo dõi, ký duyệt giáo án, mở các lớp học, thời khóa biểu, quản lý giờ dạy, dự giờ đánh giá giáo viên… cũng được thực hiện qua hình thức trực tuyến. 

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong các trường học cũng được đội ngũ giáo viên quan tâm hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện hiệu quả. Giáo viên khai thác kho bài giảng E-learning của Bộ GD&ĐT; các bài giảng, video trên kho học liệu của ngành địa chỉ http://sgdcamau.lms.vnedu.vn/store/index;... Đồng thời triển khai xây dựng bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến,… đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở đóng góp vào kho học liệu của ngành; đối với cấp học mầm non, đã tổ chức quay nhiều video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà và chọn đăng tải lên kho dữ liệu Sở GD&ĐT. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cơ bản đảm bảo, ứng dụng nhiều phần mềm để kiểm tra như: Azota, K12 Online, trắc nghiệm online… 

Có thể nói, những kết quả đạt được sau một năm thực hiện mô hình “Chuyển đổi số gắn với nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, giáo viên ngành giáo dục” đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện “Chuyển đổi số” trong ngành giáo dục đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như tài chính và phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài và đồng bộ. 

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Chuyển đổi số gắn với nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục” trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời tham mưu với UBND huyện trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm,… phục vụ công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục./.


PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực