Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia?
Tiến sỹ, Bác sỹ Heng Lihong: Theo Bộ thương mại Campuchia, tính đến thời điểm hiện nay đã cấp phép cho khoảng 450 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia chủ yếu trên các lĩnh vực: (1.) Nông lâm nghiệp; (2.) Tài chính ngân hàng bảo hiểm; (3.) Công nghiệp chế biến; (4.) Khai khoáng; (5.) Thương mại logistic nhà hàng. Hiện có 205 dự án đầu tư trị giá khoảng 3 tỉ USD đã giải ngân 50%. Trong đó các thành viên của VCBA chiếm 97% nguồn vốn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia. Tiêu biểu có nhiều tập đoàn lớn như Metfone (Viettel), 16 công ty Cao su (Tập đoàn Cao su Việt Nam), Angkormilk (Vinamilk), Ngân hàng BIDC (BIDV), Vietnam Airline…
|
Thời gian qua, Chính phủ Campuchia đã ban hành nhiều chính sách, luật, thuế mới chung cho doanh nghiệp nước ngoài tạo sự minh bạch và nhiều ưu ái. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia chưa hiểu và theo kịp chính sách mới về thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Campuchia, nên gặp khó khăn về vốn, một số dự án không hiệu quả, dẫn đến ngừng kinh doanh (như lĩnh vực: hàng không, nhà hàng, logistic …). Bên cạnh đó, quy mô thị trường Campuchia, tăng trưởng doanh nghiệp không nhiều... Thuế, số lượng lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp tại Campuchia phải nhỏ hơn 10%, vốn vay cho các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp lớn khác của các nước. Hơn nữa, việc kêu gọi hợp tác thương mại và đầu tư vào Campuchia còn dàn trải, chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm, thế mạnh của Việt Nam và nhu cầu của thị trường Campuchia, nên tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia với các nước khác chưa cao. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân hoạt động tại Campuchia chưa có sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức chính sách, cơ chế, thủ tục, vốn… nên tính hiệu quả chưa cao so với các doanh nghiệp của các nước khi đầu tư ở nước ngoài…
Phóng viên: Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia được Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia ra Quyết định công nhận ngày 30/01/2024. Ông có thể thông tin về một số kết quả nổi bật của Hiệp hội trong thời gian qua?
Tiến sỹ, Bác sỹ Heng Lihong: Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia vừa mới được Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia ra Quyết định công nhận ngày 30/01/2024, đến nay có 54 hội viên. Phát huy vai trò là một trong những cầu nối hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia, bước đầu Hiệp hội đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp gặp gỡ, làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, Tân cảng Sài Gòn, Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí minh tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư Campuchia - Việt Nam; tham quan Tập đoàn Hùng Hậu… để tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư tại Campuchia. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động thiện nguyện: Vận động xây dựng quỹ sửa chữa trường học được 34.590 USD; ủng hộ xây cột mốc biên giới tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được 66.540.000 đồng; ủng hộ 50.000.000 đồng cho chương trình xây dựng Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên; tổ chức khám bệnh miễn phí cho 600 trường hợp; ủng hộ cho chương trình tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào tại Campuchia 1.290 USD; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra 19.425 USD; thăm và tặng quà cho bà con người Khơ me Nam bộ có hoàn cảnh khó khăn tại An Giang, Kiên Giang… Các hoạt động này là bước khởi đầu để Hiệp hội tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Đối với các hoạt động ở trong nước, VCBA luôn đồng hành cùng với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong mọi hoạt động kinh tế - văn hóa, thực sự trở thành cầu nối góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Phóng viên: Ông có đề xuất gì nhằm nâng cao cán cân quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới?
Tiến sỹ, Bác sỹ Heng Lihong: Quan hệ hữu nghị, hợp tác theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” đã và đang được hai chính phủ duy trì và phát triển, nhưng thực tế kết quả về hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại chưa xứng tầm... Để nâng cao cán cân quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ hơn nữa 03 trụ cột ngoại giao: Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân trong thúc đẩy mối quan hệ với Campuchia trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quốc phòng an ninh; đề nghị Chính phủ Campuchia hỗ trợ, tạo điều kiện mọi mặt cho cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia làm ăn và sinh sống. Tăng cường tuyên truyền truyền thống quan hệ Việt Nam - Campuchia; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thông quan. Ngân hàng Việt Nam tại Campuchia cân nhắc hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tiếp cận nguồn vốn đầu tư thuận lợi.
Việt Nam cần phải thay đổi tư duy trong hợp tác thương mại, đầu tư vào Campuchia. Nên xem xét lĩnh vực nào hợp tác, đầu tư có lợi nhất thì làm, tránh lan man, dàn trải mà phải tập trung có trọng điểm, ưu tiên phát triển các lĩnh vực mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước. Ngăn chặn buôn lậu, giảm hàng hóa hai chiều tiểu ngạch; tăng tỷ lệ lao động người Việt Nam có chất lượng; tạo điều kiện thủ tục thông quan hàng hóa hai chiều. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Campuchia hiểu rõ chính sách đầu tư để các doanh nghiệp nắm và triển khai thực hiện đúng, đủ, hiệu quả. Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia phối hợp cùng với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá thế mạnh, tiềm lực từng doanh nghiệp để đề xuất với cơ quan có chức năng của Việt Nam hỗ trợ về lựa chọn đối tác, phát triển thị thường, thậm chí cả vốn, công nghệ…. Cần mời những doanh nghiệp mạnh, những doanh nghiệp có phương hướng, chiến lược kinh doanh cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ về cơ chế. Tuy nhiên phải có sự kiểm soát, tránh bị doanh nghiệp lợi dụng. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh, có tiềm lực để hỗ trợ các hoạt động, liên kết, xây dựng được cộng đồng ngày càng mạnh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!