Thoại Sơn với những cột mốc 10 năm “kỳ lạ” về phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 13/05/2022 17:28
(ĐCSVN) - Điều kỳ diệu là cứ mỗi chu kỳ trên dưới 10 năm, vùng đất Thoại Sơn lại có một dấu ấn phát triển vượt bậc. Sau hành trình dài 43 năm khai phá, sáng tạo kể từ khi tái lập đến nay, huyện Thoại sơn, tỉnh An Giang vốn là một huyện thuần nông với cơ sở vật chất, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu.

Tuy nhiên với tuyền thống lao động cần cù, tích cực học hỏi, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, hôm nay một Thoại Sơn hoàn toàn đã khoác lên mình chiếc “áo mới” - một vùng đất trù phú với nền kinh tế - xã hôi phát triển toàn diện.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy An Giang dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn và trao Quyết định công tác cán bộ 

Giai đoạn 1979 - 1989 (thời kỳ chuyển từ lúa 1 vụ sang 2 vụ): Với tầm nhìn “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, Thoại Sơn quyết tâm triển khai công tác chuyển vụ. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện, huyện Thoại Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều nông dân vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương mới, lại không muốn bỏ tập quán trồng lúa mùa nổi “làm chơi, ăn thiệt” nên có những phản ứng gay gắt; cộng với khối lượng công việc to lớn khi chuyển vụ thì phải đi đôi với kênh mương thủy lợi. Cho nên cùng với việc vừa vận động, thuyết phục, huy động sức dân, lãnh đạo huyện, xã phải chạy khắp nơi, tới Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí tới miền Trung để hợp đồng máy móc, cùng với việc đào đắp, nạo vét các tuyến kênh kịp thời cho công tác chuyển vụ. Kết quả là chỉ trong vòng 2 năm, Thoại Sơn cơ bản chuyển hết diện tích lúa 1 vụ, năng suất thấp sang lúa 2 vụ. Chính nhờ vào cuộc “cách mạng thuỷ lợi” và quyết tâm của lãnh đạo huyện dưới sự vận động tuyên truyền sát cánh cùng nông dân nên huyện Thoại sơn đã chính thức giã từ làm lúa 1 vụ lệ thuộc vào nước trời. Thành công của công tác chuyển vụ tạo ra một bước chuyển mới trong sản xuất, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để huyện giải quyết tốt các vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế… nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Giai đoạn 1989 - 2000 (sáng tạo mới trong huy động sức dân): Việc chuyển lên lúa 2 vụ trước đây đã là rất khó khăn thì chuyển lên 3 vụ lại càng không phải việc dễ dàng. Năm 1994, huyện cho thí điểm chuyển 200 ha diện tích đất nông nghiệp ở xã Phú Hòa sang làm lúa vụ 3 trên cơ sở vận động Nhân dân đóng góp 100% kinh phí, là nơi thí điểm làm lúa vụ 3 sớm nhất trong huyện. Đây là một thắng lợi mang tính đột phá, mở đầu cho “cuộc cách mạng” lần 2 trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, ý tưởng huy động sức dân đã được hình thành và chính thức đi vào Nghị quyết Đại hội VIII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 của Đảng bộ huyện Thoại Sơn.

Năm 2000 cũng là năm Thoại Sơn vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Danh hiệu này như một nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần cho Đảng  bộ và Nhân dân Thoại Sơn ra sức phấn đấu để  hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, xây dựng huyện Thoại Sơn ngày càng phát triển, vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập cùng đất nước. 
Giai đoạn 2000 - 2009 (đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động): Một điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này là Thoại Sơn đổi mới phương pháp lãnh đạo để tiếp tục tiến nhanh hơn. Từ năm 2001, Thoại Sơn bắt đầu giai đoạn điều hành phát triển kinh tế - xã hội bằng việc xây dựng, thực hiện 13 đề án, chủ trương huy động Nhân dân đóng góp trên cơ sở thực hiện quy chế dân chủ với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. 

Kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục tạo được bước đột phá. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tiến thêm một bước mới khi huyện đã vận động Nhân dân cơ bản chuyển hầu hết diện tích lúa 2 vụ sang sản xuất lúa 3 vụ. Tổng diện tích gieo trồng luôn ở mức trên 100.000 ha/năm, tăng hơn gấp đôi so với thời kỳ sản xuất lúa 2 vụ và tăng gấp 10 lần so với những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thoại Sơn trở thành huyện có sản lượng lương thực cao nhất cả nước. 

Cùng với hệ thống đê bao kiểm soát lũ được hoàn chỉnh, huyện tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ trên cơ sở nhựa hóa, bê tông hóa; kết hợp với xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở “an cư, lạc nghiệp”. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Nhân dân và Đảng bộ huyện Thoại Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 2009).

Giai đoạn 2009 - 2019 (xây dựng thành công huyện nông thôn mới): Giai đoạn này, nguồn lực trong dân được huy động mạnh mẽ hơn cả về vật chất, trí tuệ lẫn tinh thần. Và khi cuộc sống ngày càng vươn lên thì người dân sẽ không ngại đóng góp để xây dựng quê hương. Trong khi Nhà nước tập trung cho những tiêu chí, chỉ tiêu cần nguồn vốn lớn thì Nhân dân tham gia tích cực vào những tiêu chí, chỉ tiêu cần ít hoặc không cần vốn.

Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, kết thúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thoại Sơn tiếp tục là địa phương đi đầu trong tỉnh An Giang về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đồng thời có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Vĩnh Phú và Vĩnh Trạch (tăng 1 xã so với kế hoạch ban đầu). Thoại Sơn được chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm đến đâu đẩy nhanh tốc độ đến đó, Thoại Sơn đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới sớm hơn lộ trình 1 năm và đang đẩy mạnh xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. 

Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu (giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030), trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn đề ra và quyết tâm thực hiện thắng lợi một số giải pháp quan trọng như: Phấn đấu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn quốc gia; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện; Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và công nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững; Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân;…

Nhờ vào những giải pháp, chiến lược đúng đắn cho tương lai, đặc biệt là tinh thần không ngừng đổi mới, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, quân và dân huyện nhà, chắc chắn Thoại Sơn sẽ tiếp tục tạo nên những bước đột phá mới cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong những giai đoạn 10 năm tiếp theo./.

               

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực