Tỉnh Hòa Bình nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 15/12/2021 13:08
(ĐCSVN)- Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND-UBND Tỉnh trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự chung sức đồng lòng, nỗ lực quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; từ đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.

Thực tế cho thấy, tỉnh Hòa Bình khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do điểm xuất phát là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều. Trước những khó khăn, thách thức, để xây dựng NTM thành công, trước hết phải có sự nhận thức đúng đắn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Hòa Bình đã sát sao chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao và đặt lên hàng đầu đối với công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM, giúp cán bộ, nhân dân có nhận thức đúng về Chương trình và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, theo đó đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Làm đường giao thông nông thôn ở tỉnh Hòa Bình 

Các phong trào thi đua như: Phong trào “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch”; “Xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới”; xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu”... tiếp tục được tích cực phát động. Tại các xã, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm.
Các địa phương tích cực thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt để quy hoạch xã NTM đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị, quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp,...; đồng thời thực hiện tốt việc quản lý và tổ chức triển khai thực hiện đúng Quy hoạch xây dựng NTM. Bằng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và lồng ghép các nguồn vốn khác, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại với nhiều tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng; kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi; hệ thống lưới điện nông thôn; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư;… được nâng cấp, sửa chữa, xây mới, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời góp phần kiến tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
         Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai nội dung hỗ trợ phát triển mô hình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây dược liệu, trồng mía, nhãn... Các sản phẩm nông sản chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi từng bước khẳng định được giá trị ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa, tăng cường hoạt động của các HTX nông nghiệp, nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp,... cũng được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế, các tiêu chí về văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng phổ cập được củng cố, duy trì và nâng cao. Công tác y tế tuyến xã từng bước được củng cố; công tác chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã; công tác Truyền thông - Giáo dục sức khỏe được quan tâm hơn, ý thức tự bảo vệ sức khoẻ của người dân được nâng cao. Nguồn kinh phí đầu tư cho y tế xã được tăng cường từ ngân sách Nhà nước và từ ngu n xã hội hoá đã hỗ trợ có hiệu quả cho việc xây dựng, nâng cấp cải tạo và sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Trạm Y tế xã.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp, đóng góp vào thành công của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM góp phần tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội khu vực nông thôn mới.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Công tác xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh đã có 60 khu dân cư kiểu mẫu và 170 vườn mẫu được xây dựng, tạo nền tảng đề xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội nông thôn được tăng cường đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân ở các vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc vùng cao; nâng cao cảnh giác cách mạng, làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Mặc dù khi bắt tay thực hiện Chương trình từ điểm xuất phát thấp, song với sự đồng lòng, vượt khó của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 60 Khu dân cư kiểu mẫu; 170 Vườn mẫu; 62/129 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, đạt tỷ lệ 48%.
Nhằm giữ vững và phát huy thành quả đạt được của Chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu. Hàng năm, xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương và các sở, ban, ngành. Xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Duy trì, nâng cao chất lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng lộ trình phù hợp thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu... Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân./.
         

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực