Tỉnh Kon Tum: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Thứ hai, 14/12/2020 11:26
(ĐCSVN)- Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nhãn mác và thương hiệu đáp ứng yêu cầu thị trường vươn ra ngoài phạm vi địa phương.

Nhận thức rõ được vai trò, ý nghĩa quan trọng của Chương trình OCOP, ngay sau khi có Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 của Thủ tướng chính phủ, tỉnh Kon Tum đã xây dựng và ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình như: Kết luận số 928-KL/TU ngày 29/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1392/QĐ-UBND, ngày 12/12/2018 về ban hành đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; Số 700/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 về việc bổ sung vị trí, chức năng, quyền hạn, tổ chức Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 3329/KH-UBND, ngày 13/12/2019 của UBND tỉnh Kon Tum về đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP)  tỉnh Kon Tum;…

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2019, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thành lập bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tại cấp tỉnh đã thành lập tổ chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh thuộc văn phòng Điều phối Nông thôn mới (tổ gồm 3 công chức biệt phái từ các đơn vị trục thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT); cấp huyện đến nay 10/10 huyện, thành phố đã thành lập tổ OCOP huyện thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế thành phố; giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện theo chu trình OCOP.

Trên cơ sở các Chuyên đề, Chương trình tập huấn của Trung ương quy định, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có chức năng, có kinh nghiệm tổ chức đào tạo tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP. Qua đó, đến nay về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp đã nắm rõ được nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả; đối với các chủ thể sau khi tập huấn đã nhận thức được ý nghĩa Chương trình cũng như cách thức, quy trình hình thành và phát triển sản phẩm OCOP, từ đó ngày càng có nhiều chủ thể đăng ký tham gia phát triển sản phẩm và sảm phẩm ngày càng có chất lượng hơn.

Ông Lê Viết Nam - PGĐ sở Nội vụ tỉnh Kon Tum (áo tím)  thăm quan các sản phẩm đặc trưng huyện Kon Plông. 

 Xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, có hảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng của Chương trình. Do đó, ngay từ khi mới triển khai Chương trình, tỉnh đã thực hiện các hình thức tuyên truyền như: Phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình tỉnh Kon Tum và báo Kon Tum xây dựng các phóng sự tuyên truyền về Chương trình OCOP phát trên sóng truyền hình tỉnh; các chuyên mục tuyên truyền về Chương trình OCOP trên báo Kon Tum; ban hành Sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP; ngoài ra, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của Văn phòng Nông thôn mới của tỉnh, các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã...

Qua các hình thức tuyên truyền đã tác động và làm thay đổi nhận thức của các cán bộ công chức và nhân dân trong thực hiện Chương trình, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất đã nhận thấy được hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm theo tiêu chuẩn, tiêu chí OCOP và tích cực hưởng ứng tham gia; Chương trình đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, người dân đã hiễu rõ được ý nghĩa và chất lượng sản phẩm OCOP và tin dùng những sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Bằng những nỗ lực không ngừng, sau gần 3 năm (2018 - 2020) triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã và đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương và gặt hái được những kết quả tích cực, góp phần đưa chương trình trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu.

Theo kết quả triển khai và thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 20/11/2020 đã có 39 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh (trong năm 2019 và đợt 1 năm 2020. Đã công nhận 35 sản phẩm cấp tỉnh (4 sản phẩm 04 sao, trong đó 01 sản phẩm có tiềm năng 05 sao; 31 sản phẩm 03 sao); 70 sản phẩm do Hội đồng đánh giá các huyện, thành phố đã chuyển hồ sơ về HĐĐG cấp tỉnh để chuẩn bị đánh giá sản phẩm cấp tỉnh đợt 2/2020 (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2020; dự kiến có khoảng 40 sản phẩm đạt 03 sao; 05 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Vượt chỉ tiêu so với mục tiêu ban đầu của đề án Giai đoạn 2018-2020, phát triển 29 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh từ các sản phẩm quy hoạch được tiêu chuẩn hóa, chế biến sâu theo chuỗi giá trị; tập trung đầu tư, phát triển 02 sản phẩm từ đảng sâm và sâm Ngọc Linh đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

 Ông Trần Văn Chương - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum (đứng thứ 3) tham quan gian hàng tại hội Chợ Công thương Kon Tum năm 2020.

 Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, trong giai đoạn qua toàn tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản phẩm cho các chủ thể, sản phẩm như: Đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc; phát triển vùng nguyên liệu; liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; hệ thống truy xuất nguồn gốc; quản lý chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại;…

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP đã có tác động tích cực đến các chủ thể sản xuất như hoàn thiện về tổ chức và năng lực sản xuất, các hình thức liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, sản lượng, giá bán của sản phẩm đã được nâng lên góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Để duy trì kết quả đạt được và phát triển Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, tỉnh Kon Tum đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

           Một là, Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và hành động. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

              Hai là, Coi Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chủ lực của cộng đồng, trong xây dựng dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Phân công lãnh đạo, người đứng đầu có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của Chương trình. Cấp huyện cần có từ 1-2 cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, nhận thức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.

            Ba là, Chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Cần có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm. 

           Bốn là, Tập trung hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định.

            Năm là, Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững./.

 

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực