​Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: Thực hiện thí điểm đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ

Thứ ba, 14/09/2021 10:53
(ĐCSVN)- Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là một trong 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên thực hiện nhiệm vụ thí điểm đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình trước xã hội.

Vạn sự khởi đầu nan, áp lực của “người đi đầu” bao giờ cũng rất lớn và cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại; song được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cộng với tinh thần đoàn kết, dám đổi mới và quyết tâm đổi mới, sự nỗ lực cố gắng không ngừng của tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường, sau 5 năm tự chủ theo Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã gặt hái được những thành công đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thành công đạt được từ cơ chế tự chủ

5 năm qua, thành công của việc đổi mới được thể hiện rõ trong 5 nội dung cốt lõi. Cụ thể, về nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đã chọn lựa, huấn luyện sinh viên tham gia đấu trường kỹ năng nghề Quốc tế đoạt 2 giải: Chứng chỉ nghề xuất sắc và Chứng chỉ phát triển môi trường bền vững; cùng với đó nhiều nghề đã tiệm cận và đáp ứng tiêu chuẩn Quốc tế; tỷ lệ học sinh có việc làm tại các doanh nghiệp chiếm trên 90%. Về tuyển sinh, tỷ lệ đào tạo thường xuyên tăng nhiều mặc dù học phí tăng gấp 2 lần so với khi chưa tự chủ; Nhà trường được phụ huynh, học sinh tin cậy, đánh giá cao. Đáng chú ý, Nhà trường đã tạo được môi trường thuận lợi nhất để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy tối đa năng lực làm việc của mình và được hưởng thụ theo hiệu quả công việc... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5%-10%/năm; đạt 15 triệu đồng/người/tháng trong năm 2020.

Ngày càng nhiều phụ huynh học sinh tin tưởng gửi con em mình vào học tại trường 

Trong Hội nghị đánh giá tổng kết về kết quả tự chủ sau 5 năm thực hiện diễn ra vào ngày 18/12/2020, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã được Chính phủ, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao về kết quả thực hiện vì đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 20-25 tỷ đồng/năm. Như vậy, trong thời gian qua, việc tự chủ của Trường đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. 

Dựa trên nền tảng những thành công bước đầu đạt được, lộ trình tiếp theo của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã được khẳng định tại Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 9/11/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được giao thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ cho tới khi có Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở đại học công lập và Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, tại Mục 3, giải pháp 4 nêu rõ: “Thực hiện tự chủ toàn diện; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính, tổ chức nhân sự và thực hiện nhiệm vụ…”.

Vượt qua thách thức, vững vàng tiến bước

Khi phải nhận nhiệm vụ thí điểm đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình trước xã hội, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một hoạt động mới và gần như ngược lại với cơ chế truyền thống. Một trong những khó khăn mà Nhà trường gặp phải trong thời gian qua đó chính là có ý kiến cho rằng Hiệu trưởng kiêm Bí thư đảng ủy lại “ôm” thêm chủ tịch Hội đồng trường sẽ khó phát huy tính dân chủ.

Chia sẻ về điều này, TS Bùi Văn Hưng - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: Thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng về “Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động” có những nội dung thực hiện khác với quy định của Luật trong thời gian thí điểm. Tại thời điểm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của nhà trường, TS Nguyễn Thị Hằng đang giữ chức Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg, Nhà trường đã tiến hành các nội dung đổi mới theo phân cấp của quyết định, trong đó kiện toàn nhân sự lãnh đạo theo mô hình thí điểm; đồng thời thành lập Hội đồng trường để giám sát các hoạt động đổi mới. Tại thời điểm thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Nhà trường, việc thành lập Hội đồng trường trong các trường cao đẳng còn mới, chưa có mô hình tự chủ ở các trường nghề để làm bài học. Để thể hiện quyết tâm loại trừ tư tưởng rất e ngại đổi mới, chồng chéo, thiếu quyết liệt, ỉ lại ảnh hưởng đến sự thành công của Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Nhà trường đã nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo vào Hội đồng trường, như: Đảng ủy viên, Ban giám hiệu, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Công đoàn và đại diện các phòng/khoa/giáo viên/doanh nghiệp là thành viên hội đồng trường,

TS Nguyễn Thị Hằng chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường trên cơ sở Quyết định 656/QĐ-LĐTBXH do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký phê chuẩn chức danh Chủ tịch Hội đồng trường. Việc thực hiện hợp nhất 3 chức vụ “chủ chốt” là “mô hình thí điểm đổi mới” cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Để kiểm soát quyền lực hay tính dân chủ khi TS Nguyễn Thị Hằng nắm giữ ba chức vụ “chủ chốt”, Nhà trường luôn quán triệt và lưu ý trong quá trình ra quyết định và triển khai hoạt động của trường. Thực tế, Trường đã ban hành nhiều quyết định như: Quyết định 372/QĐ-CĐKNII ngày 2/12/2017 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường; tại chương 3, điều 15 về quan hệ giữa Hội đồng trường và Đảng ủy, điều 16 về quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu, điều 17 về quan hệ giữa Hội đồng trường với các đơn vị đoàn thể của trường; Quyết định số 02/QĐ-HĐT ngày 23/3/2018 về việc ban hành quy chế giám sát việc thực hiện quyết nghị của Hội đồng trường; Quyết định số 344/QĐ-CĐKNII ngày 15/11/2017 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường… Các văn bản xây dựng quy định rất rõ ràng, minh bạch chức năng, nhiệm vụ của Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường.

Minh chứng cho uy tín của Hiệu trưởng là nhiều cán bộ, giáo viên bỏ cả chức vụ, địa vị nơi cũ về đầu quân tại trường, cùng đồng hành con đường tự chủ và cống hiến cho việc đổi mới cơ chế hoạt động của trường.

TS Bùi Văn Hưng - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II 

Tuy nhiên, với một tập thể rất lớn của Nhà trường, trong quá trình thực hiện tự chủ của từng đơn vị trực thuộc, vẫn còn một vài cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo mang tư duy kiểu bao cấp, chậm đổi mới, hiệu quả công việc thấp. Số ít cán bộ trong trường cũng như có một vài cán bộ của các ngành liên quan thật sự chưa nhận thức đúng về thực hiện “Tự chủ”. Thậm chí là không chia sẻ ủng hộ thí điểm tự chủ của trường, không tư duy tích cực, chậm đổi mới, không dám đối diện với cải cách và tái cấu trúc bộ máy và không hài lòng. Đây cũng là việc bình thường.

Để thuận lợi hơn trong quá trình tự chủ, cũng như đưa Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II từng bước vượt qua thách thức, ngày càng phát triển vững mạnh, hiện Nhà trường tiếp tục đổi mới tư duy công tác quản trị theo hướng cơ cấu lại tổ chức bộ máy, cán bộ được sắp xếp tinh gọn gắn với hiệu quả công việc; công tác tài chính được đổi mới theo hướng mỗi cán bộ, giáo viên trong trường đều xác định “thu nhập” gắn với năng suất lao động và năng lực làm việc, không còn sự bình quân về việc làm và thu nhập. Ngoài ra, Nhà trường đang thực hiện các quy trình về công tác cán bộ, chuẩn bị cho việc kiện toàn lãnh đạo Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

Trong quá trình thí điểm tự chủ theo Quyết định số 538/QĐ-TTg rất mong các cơ quan báo chí cùng sát cánh, đồng hành với Trường, phản ảnh thông tin kịp thời, đầy đủ, trung thực nhằm động viên nhà trường, góp phần xây dựng thành công sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp./.

 

 

 

 

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực