Giải ngân kế hoạch đầu tư công ngành giao thông đạt kết quả khả quan

Thứ tư, 06/05/2020 20:28
(ĐCSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đến hết tháng 4/2020, cơ quan này đã giải ngân được trên 9.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm.

 

 
 Ảnh minh họa.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quan điểm “chống dịch như chống giặc", đồng thời thực hiện mục tiêu kép: đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế và xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng giúp kích cầu nền kinh tế vượt khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các cơ quan đơn vị, Sở GTVT các tỉnh, thành phố được giao vốn đầu tư công, đồng thời lãnh đạo Bộ định kỳ mỗi tháng ít nhất 2 lần tổ chức họp trực tuyến để kiểm điểm, đôn đốc, chỉ đạo tiến độ giải ngân của các đơn vị.

Tổng số kế hoạch năm 2020 (KH2020) Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ (TTgCP) giao trên 35.300 tỷ đồng (Cụ thể: trên 6.130 tỷ đồng vốn nước ngoài; trên 20.000 tỷ đồng vốn trong nước và trên 8.270 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch trung hạn); trong đó có 1.652 tỷ đồng trả nợ dự án BT nút giao ngã ba Huế Chính phủ đã thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển kế hoạch cho UBND TP.Đà Nẵng chi trả. Ngoài số vốn kế hoạch 2020 được TTgCP giao, Bộ GTVT thực hiện giải ngân kéo dài kế hoạch năm 2019 sang năm 2020 gần 3.790 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2020 của Bộ khoảng 37.438 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch năm 2020 đạt 94,2% kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn nước ngoài  trên 5.400 tỷ đồng, vốn ngân sách trong nước trên 26.200 tỷ đồng. Còn lại khoảng 1.960 tỷ đồng cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục liên quan để giao chi tiết.

 
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tại 1 cuộc họp trong tháng 2/2020.

Đến hết tháng 4/2020, Bộ dự kiến giải ngân được trên 9.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm, gồm: 7.584 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 23,9% kế hoạch đã giao các chủ đầu tư, tương đương 22,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó kế hoạch năm 2019 kéo dài đã rải ngân được trên 1.620 tỷ đồng, đạt 43%. Đối với rải ngân các dự án đường sắt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT và các Thứ trưởng Bộ GTVT đã đạt kết quả giải ngân đã có chuyển biến tích cực, công tác kế hoạch dần đi vào nề nếp. Đặc biệt nhóm các dự án đường sắt cấp bách cơ bản sẽ khởi công trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Mặc dù trong tháng 4/2020 giải ngân trên 1.700 tỷ đồng thấp hơn so với trên 2.600 tỷ đồng kế hoạch đề ra, tuy nhiên lũy kế 4 tháng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu do tháng 3/2020 đã giải ngân vượt kế hoạch khoảng 850 tỷ đồng (do trả nợ được trước dự kiến của dự án BT La Sơn - Túy Loan).

Kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết. Bên cạnh các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án (QLDA) có kết quả giải ngân vượt kế hoạch đề ra như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 85, Ban Đường sắt. Bộ GTVT cũng chỉ ra các chủ đầu tư có kết quả thực hiện kế hoạch đáng quan ngại là Sở GTVT Kon Tum và Sở GTVT Hòa Bình hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020.

Đánh giá công tác giải ngân kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải 4 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai trong tháng 5 và cho đến cuối năm, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho biết: Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tập trung nỗ lực kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đợt giãn cách toàn xã hội trong tháng 4 cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực Giao thông vận tải; tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao và ý thức được trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến độ giải ngân và thi công các dự án do Bộ quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỷ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 02 dự án BT (khoảng 1.334 tỷ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng (GPMB) và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo rất quyết liệt các Chủ đầu tư/ Ban QLDA cần kiện toàn, tăng cường năng lực cán bộ điều hành tại các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, chỉ đạo quyết liệt công tác nội nghiệp; bên cạnh đó các Chủ đầu tư/Ban QLDA cần kiện toàn, tăng cường năng lực các phòng kế hoạch để thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng, điều hành kế hoạch được giao. Việc lập kế hoạch giải ngân phải bám sát hơn nữa tiến độ thực hiện Dự án; trong đó các cơ quan tham mưu của Bộ phải thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ những thủ tục đầu tư.

Tin, ảnh: PL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực