|
Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Lê Duyên) |
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo: Xuất phát từ nhận thức “con người là trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển”, những năm qua Vĩnh Phúc đã có những cơ chế chính sách đối với tri thức, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy một số nội dung về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh đã có chủ trương, chính sách và đề cập ở những mức độ, phạm vi khác nhau, song tỉnh vẫn chưa có một văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược riêng về công tác này; chưa có cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh; chưa có phương thức cơ bản và lâu dài trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trí thức và trọng dụng nhân tài. Việc quản lý, sử dụng nhân tài, trí thức – nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh về cơ bản vẫn thực hiện theo quy trình chung như đối với các nguồn lực khác, chưa quan tâm đúng mức và tạo điều kiện bảo đảm để đội ngũ trí thức phát huy năng lực. Tình trạng thiếu hụt các chuyên gia đầu ngành, những người có trình độ cao, chuyên môn giỏi ở nhiều ngành, lĩnh vực, thiếu những người có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ để phục vụ công tác, học tập, giao tiếp và làm việc với người nước ngoài đang trở thành nguy cơ làm suy giảm khả năng cạnh tranh và kìm hãm nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới đây.
Để thu hút, phát huy sức sáng tạo cao nhất của đội ngũ trí thức, nhân tài, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, tạo sự đột phá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc là rất cần thiết.
Theo dự thảo Nghị quyết, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II khi về làm việc cho tỉnh là 500 triệu đồng bao gồm tiền hỗ trợ một lần, tiền nhà ở trong 5 năm; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 1 lần 150 triệu đồng và 4 triệu tiền nhà ở mỗi tháng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, sinh viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng và 2 triệu đồng/tháng; nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, giáo viên, giảng viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc, thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế đạt giải cũng sẽ được hỗ trợ 120 triệu đồng và nhà ở 3 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tiền nhà ở của tất các các đối tượng này không quá 5 năm kể từ khi về tỉnh công tác, cùng với đó, được xem xét ưu tiên giải quyết việc làm cho vợ, con.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: Các trường hợp được cử đi đào tạo sau đại học được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo theo quy định hoặc theo hợp đồng do tỉnh ký kết. Sau khi được cấp bằng tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ 50 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 30 triệu đồng. Ngoài ra, các trường hợp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí một lượt đi về từ Vĩnh Phúc đến địa điểm đào tạo, bồi dưỡng và bảo hiểm y tế...
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đều đề nghị làm rõ hơn các đối tượng hưởng chính sách; trong Nghị quyết cần thống nhất nội dung với các đề mục, tránh sự hiểu lầm cốt lõi các chính sách; bổ sung thêm chính sách áp dụng đối với người sau khi được thu hút, tuyển dụng không đáp ứng được các mục tiêu của chính sách thu hút. Theo các đại biểu, dự thảo Nghị quyết cũng cần có những giải pháp cụ thể để chính sách hỗ trợ của tỉnh sớm đi vào cuộc sống./.