Thực hiện dân vận khéo, giải quyết các vấn đề bức xúc của dân

Thứ sáu, 27/12/2019 15:38
(ĐCSVN) – Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré nhấn mạnh đến việc tập trung thực hiện công tác dân vận khéo, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực môi trường, đất đai.
leftcenterrightdel
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Bùi Tuấn Ngọc.

Sáng ngày 27/12, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K’Ré, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo, năm 2019, công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 03- Ctr/BDVTU ngày 22/7/2016 của Ban Dân vận Thành ủy về “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI về công tác dân vận”; thực hiện “Năm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Năm Dân vận chính quyền”… Hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp.

Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ (QCDC) ở cơ sở các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở theo chương trình công tác đã đề ra, gắn với chủ đề công tác “Năm dân vận chính quyền”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; tiến hành kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở 177 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và 05 sở, ngành Thành phố; hoàn thành việc kiểm tra tại 584 xã, phường, thị trấn…

Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo Thành phố và các các quận, huyện, thị xã đạt hiệu quả, tập trung chỉ đạo, xử lý và giải quyết tốt các vụ việc tôn giáo tồn đọng, phát sinh ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng”; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của  Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Chùa tinh tiến”, “Xứ họ đạo tiên tiến”…

Công tác phối hợp và mối quan hệ giữa Ban Dân vận với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được duy trì nền nếp và hiệu quả hơn. MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội và các hội quần chúng Thành phố đã tập trung chỉ đạo xây dựng và củng cố tổ chức, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động trọng tâm của Thành phố…

Đáng chú ý, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Kết quả, năm 2019 đã tổ chức 04 hội nghị cấp Thành phố; 30/30 quận, huyện, thị ủy đã tổ chức 145 hội nghị (trong đó có 47 hội nghị định kỳ, 98 hội nghị đột xuất); 584/584 xã, phường, thị trấn đã tổ chức 964 hội nghị (trong đó, có 594 hội nghị định kỳ, 370 hội nghị đột xuất). Thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại nhiều kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được các cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết kịp thời, góp phần làm giảm những vấn đề dân sinh bức xúc.

Trong năm 2019, tổng số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố là 9.931 mô hình, trong đó, cấp Thành phố 764 mô hình; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy là 2.852 mô hình, cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp là 6.315 mô hình…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm bắt tình hình dư luận nhân dân tại một số địa phương trên địa bàn Thành phố còn chưa kịp thời. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, công đoàn. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, chậm được sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định mới được ban hành…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành dân vận Thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2019. Hai đồng chí nhấn mạnh năm 2020 là năm hết sức quan trọng, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Đại hội XIII của Đảng; 90 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930-03/02/2020); 90 năm thành lập Đảng bộ Thành phố (17/3/1930-17/3/2020) và cũng là 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020)... do đó, công tác dân vận cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong quá trình đại hội đảng các cấp; theo dõi, nắm tình hình cán bộ, đảng viên, nhân dân trước, trong và sau đại hội; tổng hợp tình hình nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội...

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré nhấn mạnh đến việc tập trung thực hiện công tác dân vận khéo, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực môi trường, đất đai. Thực hiện quy chế dân vận của hệ thống chính trị, thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý tập trung chỉ đạo tăng cường lãnh đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ về công tác dân vận, nhất là việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhà nước về công tác dân vận; nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng Thành phố về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Tiếp tục gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và đoàn thể trong sạch, vững mạnh với các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung công tác dân vận của chính quyền.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Chủ động phối hợp nắm tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo; nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh, bức xúc trong nhân dân...

Tại Hội nghị, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Bùi Tuấn Ngọc đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 7 đơn vị đã được nhận cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua của Thành phố Hà Nội; 12 tập thể, 10 cá nhân được tặng bằng khen xuất sắc năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội…/.

Mai Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực