Kinh tế - xã hội năm 2010: Mục tiêu và các giải pháp

Thứ ba, 05/01/2010 11:27
Untitled 1

(ĐCSVN) - Năm 2009, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức gay gắt trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên phạm vi toàn cầu. Năm 2010, chúng ta phải tập trung thực  hiện đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế- xã hội năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng đảm bảo an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Cụ thể hoá mục tiêu tổng quát trên thành các chỉ tiêu kinh tế và xã hội sau:

Chỉ tiêu về kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5%; giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm và thuỷ sản trong GDP tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 41% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Chỉ tiêu về xã hội, số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở là 63 tỉnh; tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 12%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 15%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 17%; mức giảm sinh 0,2%; tạo việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu người lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 18%; số giường bệnh trên một vạn dân là 27,5giường; diện tích nhà ở đô thị bình quân 13,5 m2/người.

Các chỉ tiêu về môi trường, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 83%, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch là 84%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý là 70%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được gom là 85%; tỷ lệ chất rắn y tế được xử lý là 80%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước ngập thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 45%; tỷ lệ che phủ rừng là 40%.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2010 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, theo dõi chặt chẽ, thường xuyên, nâng cao chất lượng dự báo tình hình trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời đưa ra những chủ trương và biện pháp thích ứng với tình hình. Xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, xác định rõ lộ trình và sớm triển khai các giải pháp, chính sách trong phương án.

Hai là, mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến. Ban hành chính sách, giải pháp cụ thề nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; phát triển; khai thác tốt thị trường nội địa, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước, thực hiện đạt hiệu quả cao cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Ba là, trên cơ sở kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn. Thực hiện các cơ chế, kết hợp nguồn vốn đầu tư từ nhà nước và thu hút các nguồn vốn khác để tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tăng đầu tư nhà nước cho các tỉnh nghèo, miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các nguồn vốn khác. Chú trọng đầu tư cho dân sinh và kinh tế biển đảo.

Bốn là, đổi mới công tác quản lý thu hút vốn đầu tu nước ngoài, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương; có chính sách khuyến khích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, chuyển doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Rà soát, kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tập trung vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính và thực hiện các nhiệm vụ khác được Nhà nước giao. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, rất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Sáu là, rà soát, điều chỉnh hợp lý các dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát của các bộ, ngành ở Trung ương; xem xét điều chỉnh việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản. Thực hiện nghiêm túc và có chuyển biến rõ nét trong  thực tế công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về môi trường, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Bẩy là, triển khai mạnh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng kiểm tra, giám sát để các chính sách ban hành áp dụng đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình giảm nghèo; tăng đầu tư nhà nước và huy động nguồn lực của xã hội để phát triển nhanh nguồn nhân lực có chất lượng, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, chuyên gia và công nhân kỹ thuật. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là giáo dục bậc đại học và đào tạo cao đẳng nghề; chú trọng công tác y tế dự phòng, nâng cao khả năng phòng chống các loại dịch bệnh, ban hành chính sách xã hội hóa phù hợp để phát triền y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm dần quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương và các bệnh viện chuyên khoa, áp dụng biện pháp hữu hiệu thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba: Triển khai các biện pháp chống suy dinh dưỡng cho các trẻ em, tập trung vào các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tám là, tiếp tục chỉ đạo, rà soát để hoàn chỉnh thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, công khai, rõ ràng, dễ hiểu; hoàn chỉnh và nâng cao tính pháp lý các quy định pháp luật; áp dụng đồng bộ các biện pháp, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm xâm hại an ninh quốc gia và gây rối trật tự công cộng, tội tham nhũng, các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thất thoát, lãng phí; thực hiện nhiều biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ.

Chín là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, coi trọng các địa bàn trọng điểm, địa bàn xung yếu, biển, đảo để chủ động xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực