Liên hợp quốc năm 2009: Vai trò Liên hợp quốc, vai trò và uy tín của Việt Nam gia tăng

Thứ hai, 04/01/2010 11:42
(ĐCSVN) - Không chỉ các nước đang phát triển mà các nước phát triển đều nhận thấy vai trò của Liên hợp quốc trong các vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân của họ.

Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Bush theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, nay dưới thời Tổng thống Obama đã điều chỉnh chính sách nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong cơ chế đa phương và các vấn đề quốc tế, tận dụng diễn đàn Liên hợp quốc để khôi phục uy tín đã bị suy giảm của Mỹ. Các nước lớn khác như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và các nước lớn thuộc khối các nước đang phát triển như Braxin, Ấn Độ, Mêhicô, Nam Phi… cũng tích cực sử dụng diễn đàn Liên hợp quốc để nâng cao vị thế quốc gia của mình trên trường quốc tế và phục vụ lợi ích quốc gia.

Liên hợp quốc đã đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu truyền thống như cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, giải trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, gìn giữ hòa bình và giải quyết xung đột, hòa bình Trung Đông, thương mại quốc tế, chống đói nghèo,… và phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và dịch bệnh HIV/AIDS và nhiều loại bệnh lây nhiễm khác.

Liên hợp quốc vẫn là nơi các nước lớn cọ xát quyền lực và trao đổi lợi ích với nhau. Liên hợp quốc cũng là nơi cọ xát lợi ích giữa các nước phát triển và đang phát triển. Tuy các nước đang phát triển chiếm tới hơn 2/3 thành viên Liên hợp quốc nhưng tiếng nói của khối nước này không có nhiều trọng lượng trong các vấn đề quốc tế. Giải quyết mâu thuẫn lợi ích này đã thúc đẩy các nước đang phát triển đòi cải tổ mạnh mẽ Liên hợp quốc, đặc biệt là 2 cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để Hội đồng này thể hiện tính đa dạng và pháp lý rộng rãi và Đại hội đồng Liên hợp quốc để cơ quan này có quyền lực thực sự và có khả năng thực hiện các quyết nghị của mình.

Tại các cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 về cải tổ Liên hợp quốc, ngoài các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Braxin, Nam Phi, Nigiêria tiếp tục vận động để giành ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, Liên minh châu Âu sau khi Hiệp ước Lixbon về quy chế mới của Liên minh cũng yêu cầu ghế trong Hội đồng Bảo an cùng với ghế của Liên minh châu Phi. Các nước thành viên thường trực hiện nay của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã khẳng định họ không bao giờ chấp nhận yêu cầu được sự ủng hộ của đa số thành viên Liên hợp quốc là từ bỏ quyền phủ quyết. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, mọi quyết định về cải tổ Hội đồng Bảo an hoặc các cơ quan khác của Liên hợp quốc dù được đa số thành viên Liên hợp quốc thông qua muốn có hiệu lực phải được tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an phê chuẩn. Vì vậy, tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc khó có thể tiến triển nếu không có sự đột phá nào từ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Năm 2009 cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ 2 năm là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam. Dư luận Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam mặc dù lần đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã chủ động bắt nhịp nhanh với cường độ làm việc cao và khẩn trương của Hội đồng Bảo an, thể hiện lập trường độc lập, có nguyên tắc, vừa bảo đảm lợi ích của đất nước vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước khác trong các vấn đề quốc tế, đảm nhiệm trọng trách là Chủ tịch Ủy ban 1132 về Xiêra Lêôn, Phó Chủ tịch các Ủy ban 1533 về CHDC Cônggô, Ủy ban 1636 về Libăng…

Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam thành công trong 2 tháng là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, những tháng mà nước đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an phải đầu tư nhiều tâm lực mới hoàn thành tốt công việc trong tháng của cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc. Trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần 1 (tháng 7/2008), Việt Nam chủ trì xây dựng Báo cáo hoạt động năm 2007-2008 của Hội đồng Bảo an, đề xuất và chủ trì Phiên thảo luận mở về trẻ em trong xung đột vũ trang, Phiên thảo luận mở về tình hình Trung Đông. Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần 2 (tháng 10/2009), Việt Nam trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hoạt động của Hội đồng Bảo an năm 2008-2009, đề xuất cuộc thảo luận mở về vấn đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh”. Đây là những chủ đề được các nước và các tổ chức ở Liên hợp quốc đánh giá cao./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực