Bài 4: Thương lắm… Trường Sơn ơi!

Thứ ba, 26/07/2022 11:29
(ĐCSVN) – Hun hút nỗi buồn, hun hút niềm đau…trời Quảng Trị những ngày này nắng như đổ lửa. Nghĩa trang Trường Sơn dần hiện ra trước mắt chúng tôi một màu trắng bạt ngàn của những hàng bia mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút…và của nghĩa tình Trường Sơn.

Bài 2: O Thu - cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn

Bài 3: Về Thành cổ gặp gỡ nhân chứng lịch sử năm xưa

Ngược dòng Thạch Hãn

Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình "Màu hoa đỏ" dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Oanh 

Trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào những ngày tháng 7, chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động cho dù đã đến đây nhiều lần.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đường vào Nghĩa trang, những hàng thông xanh năm nào vẫn hiên ngang, bền bỉ trước nắng gió Trường Sơn. Đã gần xế chiều, song chúng tôi vẫn gặp nhiều người từ khắp mọi miền đất nước vào viếng. Họ là các cựu chiến binh về thăm đồng đội, những người anh, người em đi tìm mộ người thân.

Thắp nén hương thơm viếng hương hồn người “nằm dưới cỏ”, người lính già trước mặt chúng tôi rưng rưng ngấn lệ. Sinh ra tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bác Nguyễn Xuân Đường nhập ngũ và trở thành người lính lái xe vận chuyển hàng trên tuyến đường Trường Sơn nơi đây.

Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng năm đó, bác Đường cho biết, đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược, nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Những đoàn xe luôn là mục tiêu đánh phá số 1 của máy bay địch. Trước năm 1973, người thanh niên Nguyễn Xuân Đường được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, súng đạn và quân tư trang. “Đời sống trong chiến trường gian khổ, thiếu thốn, vất vả lắm. Mùa mưa thì mưa tầm tã, xe bị bom đạn làm cho hư hại, không kính, không đèn, thùng xe bị bóp méo lại phải từng ngày từng giờ đối mặt với cái chết nhưng các anh em trong đơn vị chưa bao giờ lùi bước”, bác Đường xúc động kể lại.

Gạt dòng nước mắt lăn dài trên gò má, người lính già kể tiếp: “Có lần, đoàn xe đang chi viện cho tiền tuyến thì bị máy bay địch tập kích, đồng đội hi sinh nhiều lắm. Những người còn sống lau vội nước mắt chôn cất đồng đội của mình nơi bìa rừng… rồi hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ trở về tìm lại các anh”.

“Thương lắm…Trường Sơn ơi”, nói đến đây, giọng bác lại nấc nghẹn và quay mặt hướng về những ngôi mộ, nơi đồng đội bác đang nằm đó.

Với bác Đường, mỗi lần trở về Trường Sơn là bấy nhiêu lần bác vỡ òa trong tiếng khóc. Bác xót thương những người đồng đội từng kề vai sát cánh cùng mình trên chiến trường, chia từng nắm cơm, ngụm nước, từng tấm áo che nắng, che mưa. Hòa bình, bác  may mắn bình yên trở về, đoàn tụ với gia đình, con cháu, trong khi đồng đội của bác đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đây.

Bác Nguyễn Xuân Đường trở về thăm đồng đội năm xưa. Ảnh: BL

Trong dòng người đến với Trường Sơn hôm nay, chúng tôi tiếp tục được gặp và trò chuyện những người lính, người cựu chiến binh trở về thăm đồng đội.

Đứng lặng thật lâu trước bia mộ đồng đội, bác Nguyễn Minh Chiến, người lính Trường Sơn năm xưa cho chúng tôi biết: Trong những năm tháng ác liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, bác và đồng đội kề vai sát cánh, ngày đêm thông đường đảm bảo cho những chuyến hàng chi viện vào miền Nam được thông suốt. Ngày đó, đường Trường Sơn bom cày đạn xới, khói lửa triền miên. “Đi vào Trường Sơn là trao cả tuổi thanh xuân ở đó. Lá thư nào gửi về nhà cũng có thể là lá thư cuối cùng”, bác Chiến chia sẻ.

Khi được hỏi về kỷ niệm nơi đây bác nói: “Kỷ niệm với Trường Sơn và đồng đội thì nhiều lắm, không thể kể hết được. Nhưng có một câu chuyện làm tôi day dứt không nguôi. Đó là vào năm 1973, trong chuyến vận chuyển hàng vào miền Nam, tôi bị sốt rét không thể dậy, phải nằm lại bìa rừng dưỡng sức. Để chuyển hàng tới chiến trường, bên cạnh phương tiện cơ giới, ngày ấy anh em trong chiến trường phải thực hiện nhiều phương thức, như: xe đạp thồ, gùi thồ, thuyền mảng…  Giữa lúc đó có một đồng chí trẻ hơn tôi tầm 3 tuổi mới được điều động vào để tiếp sức cho anh em trong này. Đồng chí ấy tên Hào, đã xung phong thay tôi thực hiện nhiệm vụ. Và trong ngày hôm đó, địch ném bom xuống đúng tuyến đường đồng chí đi qua. Chỉ trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, đồng chí đã hi sinh. Nếu như ngày đó, tôi không ốm thì người hi sinh phải là tôi. Thật xót xa!”, giọng bác lại chùng xuống.

Đến tận bây giờ, người lính Trường Sơn ngày ấy vẫn nhớ như in sự khốc liệt của mưa bom bão đạn, nỗi đau xé lòng chứng kiến đồng đội hy sinh. Trên đường Trường Sơn, không ai đếm xuể khó khăn chồng chất. Sự sống và cái chết rất mong manh. Thế nhưng, niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm đã giúp những người lính vượt lên tất cả.

Còn đối với bác Bùi Văn Việt đến từ tỉnh Hòa Bình, trong suốt hơn 40 năm đi tìm hài cốt anh trai là Bùi Văn Phương hi sinh trong tuyến đường Trường Sơn, đã gặp muôn vàn khó khăn, trắc trở bởi giấy tờ hồ sơ không còn, cũng không còn ai lưu giữ.

Bác Bùi Văn Việt đến từ tỉnh Hòa Bình. Ảnh: BL 

Bác Việt kể: “Khi anh mất, cả nhà chỉ nhận được giấy báo tử chứ không nhìn thấy thi thể hay di vật của anh. Cả nhà, trong đó có bố mẹ tôi khi còn sống đều muốn tìm anh nhưng thời đó khó khăn. Sau hơn 40 năm lặn lội ngược xuôi, cuối cùng gia đình tôi đã tìm được anh, giờ này bố mẹ tôi nơi chín suối cũng được an lòng”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa hề nguôi ngoai. Nơi đây - mảnh đất miền Trung cát trắng Quảng Trị, bụi thời gian vẫn không thể làm phai mờ đi hình ảnh những nghĩa trang với bạt ngàn ngôi mộ liệt sỹ chạy dài hun hút.

Bằng sức mạnh và ý chí quật cường “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”… các anh, các chị đã xả thân chiến đấu hết mình, để dành độc lập tự do cho Tổ quốc. Và các anh, các chị đã sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân…

Đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các miền quê và họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc một cách vô tư…Và họ đã vĩnh viễn không quay trở về.

Theo Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn, hằng năm Nghĩa trang đón khoảng hơn 4 triệu lượt người đến thăm viếng… Có những gia đình ở nơi địa đầu Tổ quốc như Lạng Sơn, Hà Giang; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến đất mũi Cà Mau… năm nào cũng đến thắp hương. Nhiều cơ quan đoàn thể hằng năm đều tổ chức chuyến đi, vượt cả ngàn km đến Nghĩa trang để dâng hương hoa lên anh linh của các anh hùng Liệt sĩ.

Đến Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng 7, tất cả chúng tôi như được tắm mình trong truyền thống, hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để chúng ta vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.

Tạm biệt Trường Sơn - nơi hình ảnh những ngôi sao vàng được gắn lên bia mộ các anh, các chị. Những ngôi sao không bao giờ tắt trong lòng đất mẹ, những ngôi sao sáng mãi trên con đường Trường Sơn hôm nay./.

Bích Liên - Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực