Tiếng lòng Quốc hội, tiếng lòng dân!

Thứ năm, 31/03/2016 17:24
(ĐCSVN) - Quốc hội đang chuyển giao thế hệ lãnh đạo, với việc lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một nữ Chủ tịch Quốc hội, viết tiếp mạch nguồn đổi mới, khẳng định "nam, nữ bình quyền".

Trước khi rời nhiệm sở, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chia sẻ với báo chí: "Làm người lãnh đạo thì chỉ có 2 việc thôi. Một là đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao thì hãy cố gắng làm cho tốt việc đó, làm hết sức mình, tận tâm, tận lực, rèn luyện mình để vượt qua chính mình, cố gắng cùng nhân dân để làm cho tốt việc được giao. Thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt". 

Tân Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa nguyên Chủ tịch QH 
Nguyễn Sinh Hùng, sáng 31/3/2016. (Ảnh: Hạnh Nguyên)


Nhìn lại nhiệm kỳ, người dân và đại biểu Quốc hội đồng tình với tự đánh giá của Chủ tịch Quốc hội khóa XIII là “đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ trên”. Không chỉ riêng cá nhân Chủ tịch Quốc hội mà cả Quốc hội khóa XIII đã “tròn vai”, hoàn thành tốt trọng trách: Lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tính riêng hoạt động lập pháp, với số lượng 100 luật, 10 pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành đã làm nên kỳ tích về khối lượng luật, pháp lệnh lớn nhất được thông qua trong một nhiệm kỳ so với 12 khóa trước của Quốc hội. Điều này phản ánh bước tiến quan trọng, nổi bật trong công tác lập pháp của Quốc hội.

Trong hoạt động giám sát tối cao, có thể nói chưa khi nào mà hoạt động của Quốc hội lại gần dân, sát dân đến vậy. Trong đó điểm nhấn của hoạt động giám sát tối cao, đó là Quốc hội có nhiều đổi mới trong chất vấn các thành viên Chính phủ và những người đứng đầu các cơ quan được Quốc hội bầu, hoặc phê chuẩn. Các phiên chất vấn của Quốc hội đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến toàn dân, để cho các vấn đề nóng hổi của đất nước, của đời sống xã hội được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. 

Nhiều câu nói, nhiều phát biểu từ tâm can của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ theo cùng năm tháng, được nhân dân nhớ mãi. Trong đó phải kể đến trăn trở của ĐBQH Lê Như Tiến về việc “quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những "chuyến tàu vét" cuối cùng trước khi hạ cánh; một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão“; hoặc cảnh báo của ĐBQH Trần Ngọc Vinh về vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế! ”. Và, lo lắng của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền “Giảm bộ máy, giảm biên chế làm chưa được bao nhiêu, bộ máy ngày càng phình ra, chức năng chồng chéo”, cùng với sự thẳng thắn tâm huyết của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương về việc "Gần đây Tổng Bí thư có nêu khái niệm "chạy luân chuyển", có chính sách gì mới là phải chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành đều biết nhưng thiếu cơ sở để gắn trách nhiệm trong quá trình xử lý. Câu hỏi "chạy ai, ai chạy" vẫn chưa trả lời được”; hay là phát biểu mang tính ưu tư của ĐBQH Lê Nam “Những bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không với một miền Tây Nam Bộ rất trù phú và hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng. Một Tây Nguyên khô khát giữa tháng ba. Một hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, với ngân khố nằng nặng, với thanh niên Việt Nam hình như ngày càng còi cọc”…

Còn và còn rất nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH nói được tiếng lòng của nhân dân. Phải khẳng định một lần nữa, thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là rất đáng trân trọng, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận. Song, với trách nhiệm người đại biểu của dân, họ (ĐBQH) vẫn còn nhiều tâm tư, trăn trở.

Nói cách khác, tiếng lòng của ĐBQH của nhân dân và cử tri đã trùng khớp, đều mong muốn cả hệ thống chính trị phải “hành động và hành động thực chất vì dân”; phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, bền vững để Việt Nam không tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; phải chặn đứng và đẩy lùi thực trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cử tri và ĐBQH cũng đề nghị “nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ tới đây cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa; phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, để chấm dứt tình trạng "trên bảo dưới làm lơ"”; Cử tri và ĐBQH cùng mong muốn giải pháp của chúng ta cần thiết thực, hiệu quả hơn để cho biển Đông bớt đi “sóng ngầm”, bảo đảm tốt cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Mong muốn được viết nhiều, nhưng khuôn khổ có hạn, xin được dừng bài viết nhỏ này bằng lời phát biểu của Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện sẽ nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Trong lời phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội luôn có hình bóng của cử tri và nhân dân. Cử tri và nhân dân cả nước bắt đầu đặt niềm tin vào lời thề thiêng liêng của người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

Hạnh Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực