Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về cách kiểm thảo theo bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đảng viên Bắc Bộ và Trung Bộ ngày 1-3-1947

Thứ năm, 10/10/2019 14:44
(ĐCSVN) - Nhận thấy việc kiểm thảo theo bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "một việc khẩn thiết của tất cả các đồng chí trong Đảng”, song "nhiều nơi đã làm một cách chiếu lệ”, ngày 7-7-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc kiểm thảo.

Chỉ thị đã vạch ra những điều chủ yếu sau đây:

Về ý nghĩa và mục đích bức thư, Chỉ thị nêu rõ: lãnh tụ Hồ Chí Minh mong muốn Đảng "ngày càng đoàn kết chặt chẽ và thêm mạnh mà để gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến giành thống nhất độc lập cho dân tộc". Đồng thời, vì Hồ Chủ tịch đã nhận thấy những khuyết điểm về tư tưởng, hành động của các đ.c1 có thể làm cản trở bước tiến của đoàn thể, nên Người chỉ thị cho chúng ta biết cách sửa chữa để được xứng đáng là những người hội viên của Hội".

Về kế hoạch kiểm thảo, Chỉ thị nêu rõ:

Việc kiểm thảo cần theo các nguyên tắc: tất cả các cấp bộ trừ chi bộ trở lên đều phải kiểm thảo; thời gian kiểm thảo kể từ ngày tổng khởi nghĩa đến tháng 7 năm 1947, kiểm thảo cấp mình đồng thời kiểm thảo cấp trên trực tiếp và cấp dưới trực tiếp; kiểm thảo cả những khuyết điểm mà bức thư chưa vạch ra; kiểm thảo phải căn cứ vào thời gian, không gian, chứ không được chỉ trích một cách vu vơ; luôn kiểm điểm mình, chứ không chỉ kiểm điểm một lần rồi thôi; phải ấn định thời gian gột rửa sai lầm.

Trước khi kiểm thảo, cần chuẩn bị đầy đủ: nghiên cứu kỹ bức thư rồi tự liên hệ tư tưởng và hành động của mình, tìm ra nguồn gốc sai lầm phải chuẩn bị đủ tài liệu về chủ trương và công tác của cấp uỷ và chi bộ để tiện xem xét.

Trong khi kiểm thảo, việc kiểm thảo tiến hành theo nguyên tắc "tự nhận định, tự giác theo tinh thần tự chỉ trích của hội chứ không lấy đa số quyết định", "chú ý tới những nguyên tắc chung, chứ đừng quá chú trọng về những sự vụn vặt”, “Hết sức tránh sự xoi mói có tính cách ghen ghét để gây thành ác cảm cá nhân”; vạch sai lầm của các đồng chí, đồng thời "phải tìm nguyên nhân và phương pháp bổ khuyết cho các đồng chí”, kiểm thảo từng cá nhân, đồng thời phải kiểm thảo cả chủ trương của cấp bộ.

Sau khi kiểm thảo, mỗi đồng chí phải cương quyết tẩy rửa sai lầm, phát huy ưu điểm, nhắc nhở nhau sửa chữa sai lầm.

Cuối Chỉ thị, Ban Thường vụ Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng: "Chúng ta là những người đã hy sinh tất cả cho sự nghiệp của dân tộc, của hội, thì chúng ta phải nâng cao tinh thần tự ngã chỉ trích. Kiểm thảo theo bức thư của Hồ Chủ tịch phải là việc học tập nghiên cứu hằng ngày trong mỗi đồng chí... để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo giành thắng lợi cho dân tộc”.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.198-200, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực