Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương

Thứ hai, 16/09/2019 16:39
(ĐCSVN) - Trước những biến động mới của tình hình thế giới, nhất là ở Pháp và Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn thể ngày 29 và 30-3-1938 tại xã Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Gia Định, với sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu...
Ban Chấp hành Trung ương bầu
đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm
Tổng Bí thư của Đảng.

Hội nghị nhận định, từ khi Mặt trận Nhân dân Pháp thắng lợi, tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh của quần chúng, tình hình Đông Dương đã được cải thiện một phần. Nhưng những cải cách dân chủ còn rất hạn chế do xu hướng phản động ở thuộc địa còn mạnh, do Chính phủ Bơlum Sôtăng (Blum Chautemps) thiếu kiên quyết, không dám dựa vào sự ủng hộ của nhân dân và vì ở Đông Dương chưa có một Mặt trận Dân chủ thống nhất được các tầng lớp nhân dân.

Hội nghị phân tích, cho thấy rõ tình hình phức tạp của các đảng phái chính trị ở Đông Dương. Tuy nhiên, hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn là mạnh mẽ nhất và đang tập trung xung quanh mình ngày càng nhiều các lực lượng tiến bộ.

Về phong trào đấu tranh của quần chúng, Hội nghị nhận xét: tuy số lượng các cuộc đấu tranh trong 6 tháng vừa qua không bằng thời kỳ 1936-1937 nhưng các tầng lớp nhân dân vẫn liên tục đấu tranh với trình độ giác ngộ về quyền lợi sâu sắc hơn, tinh thần đấu tranh kiên quyết hơn và phần lớn các cuộc đấu tranh được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh phát triển không đều trên phạm vi cả nước cũng như từng xứ. Ở Nam Kỳ, Trung Kỳ phong trào đấu tranh mạnh hơn Bắc Kỳ. Những nơi tập trung đông công nhân như vùng mỏ ở Bắc Kỳ, đồn điền ở Nam Kỳ phong trào đấu tranh rất yếu. Ngoài ra, nhiều Đảng bộ địa phương không triệt để lợi dụng được các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp.

Về công tác nội bộ, Hội nghị xét thấy số lượng đảng viên trong cả nước tăng 60% nhưng sự phát triển không đều. Tại Trung Kỳ, Đảng phát triển mạnh nhất. Cơ sở Đảng ở Lào, Campuchia phát triển kém. Một số nơi, tổ chức Đảng còn thiếu chặt chẽ (như Chợ Lớn) để phần tử phản động chui vào. Trình độ đảng viên thấp nhất là ở Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ, một số đảng bộ còn tư tưởng cục bộ địa phương. Tuy còn các khuyết điểm trên, nhưng nhìn chung trong cả nước Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ.

Căn cứ vào tình hình và những ưu, khuyết điểm trên các mặt công tác của Đảng, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương và coi đó là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại.

Hội nghị chủ trương để có thể lan rộng "xu hướng liên hiệp hành động” và phát triển thành "một lực lượng hành động mạnh mẽ" cần phải "bỏ hết những khẩu hiệu quá tả làm cho giai cấp tư sản bản xứ và các đảng phái khác sợ không dám đi với mình". Mặt khác, đề phòng xu hướng hữu khuynh, chỉ chú trọng giao thiệp với số lãnh tụ ở bên trên mà không tin vào lực lượng quần chúng. Mặt trận Dân chủ cần liên hiệp hành động với những lực lượng tiến bộ người Pháp ở Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, đòi hoà bình, dân chủ.

Về công tác quần chúng: Hội nghị nhận định trong 6 tháng, số quần chúng có tổ chức tăng gấp đôi, "làm cho Đảng có cơ sở quần chúng rộng rãi", chứng tỏ rằng "các đảng bộ hăng hái hoạt động” và "phương pháp tổ chức quần chúng của Đảng là hoàn toàn đúng”. Hội nghị kiểm điểm tình hình và đề ra những nhiệm vụ cụ thể đối với công tác vận động công nhân, nông dân, thanh niên và phụ nữ.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Hội nghị đề ra nhiệm vụ phải củng cố cơ sở đã có, lập thêm cơ sở mới, chú ý phát triển cơ sở Đảng ở các thành phố, đồn điền, các nhà máy, xí nghiệp..., củng cố đường dây liên lạc trong Đảng; kết hợp khéo léo giữa hoạt động bí mật và công khai; đẩy mạnh công tác báo chí bí mật và công khai, tăng cường huấn luyện cán bộ đảng viên; tăng cường lãnh đạo các hội, đoàn quần chúng; thâm nhập hoạt động để gây uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong các đảng phái, tổ chức chính trị khác; đấu tranh cho Đảng được ra công khai; đấu tranh chống bọn khiêu khích Trốtkít.

Ngoài những vấn đề trên, Hội nghị còn ra một nghị quyết riêng về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính, nêu lên quan điểm của Đảng về phòng thủ Đông Dương và giác ngộ binh lính địch.

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương có 11 đồng chí (2 đồng chí đang ở nước ngoài). Đồng chí Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.567-570, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực