Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng

Thứ hai, 14/10/2019 17:02
(ĐCSVN) - Năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến to lớn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành được những thắng lợi quan trọng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, v.v.. Nhân dân ta đang nô nức "tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công" .
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở
Chiến dịch Biên giới (1950). (Ảnh: hochiminh.vn)

Thực dân Pháp lâm vào thế suy yếu và lúng túng. Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp với âm mưu can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương. Cách mạng thế giới đang ở thế tiến công. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập ngày 1-10-1949 làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa phe dân chủ và phe đế quốc, Việt Bắc trở nên liền một dải với Bắc Kinh và Mátxcơva. Nhân dân ta có điều kiện thuận lợi nhận sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Trước tình hình mới và để đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng. Hội nghị tiến hành tại Việt Bắc từ ngày 21-1 đến ngày 3-2-1950.

Do bận công tác đối ngoại1, không thể tham dự Hội nghị được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị, trong đó Người "có vài ý kiến" gửi cho các đồng chí đại biểu. Người viết: "Xét tình hình trong nước và ngoài nước, thế lực của ta và của địch, năm nay là năm cuộc kháng chiến của ta chuyển biến lớn... Nhiệm vụ của năm mới là: hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công.

Thời cơ có lợi cho ta, nhưng khó khăn của ta còn nhiều. Tổng phản công là một việc lớn. Chúng ta chỉ có thể tổng phản công thắng lợi, nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ, khắc phục mau chóng những nhược điểm, phát triển mau chóng những ưu điểm". Người khẳng định rằng năm 1950 sẽ là năm đại thắng lợi nếu ta làm trọn được những công việc trước mắt như sau: giữ vững khối đại đoàn kết của dân tộc; tích cực xây dựng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương; đánh mạnh vào lực lượng vật chất và tinh thần của địch; động viên lực lượng toàn dân, tổ chức và vũ trang nhân dân rộng rãi ở vùng tự do cũng như vùng bị tạm chiếm; liên lạc hành động với nhân dân Pháp và các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới... Người còn căn dặn: “Riêng về Đảng, các đồng chí hãy kiểm thảo sự lãnh đạo của Đảng về chính trị và tổ chức, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, tổ chức việc học tập lý luận và sửa đổi lối làm việc, để cho Đảng ta thành một lực lượng rất mạnh, đưa dân tộc đến bước thành công".

Hội nghị đã thảo luận các báo cáo sau đây:

- “Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công” do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh trình bày;

- "Nhiệm vụ quân sự trước mắt chuyển sang tổng phản công” do đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày;

- “Công tác mặt trận và dân vận trong năm chuyển mạnh sang tổng phản công" do đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày;

- “Phải kiện toàn chính quyền cộng hòa nhân dân để tổng phản công và kiến thiết chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam” do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày.

Hội nghị nhất trí với các báo cáo được trình bày tại Hội nghị và thông qua Nghị quyết của Hội nghị Về việc chuyển mạnh sang tổng phản công.

Đánh giá tình hình hai năm 1948 - 1949, Nghị quyết chỉ rõ: Ta càng đánh, càng mạnh, chính quyền nhân dân càng thêm vững chắc, tinh thần quân và dân ta càng cao, các lực lượng hòa bình và dân chủ thế giới càng ủng hộ nhiệt liệt; nhưng đồng thời càng thấy rõ mấy nhược điểm lớn: thiếu vũ khí nặng, thiếu quân chính quy, thiếu cán bộ, kinh tế và văn hóa phát triển chậm so với quân sự và chính trị. Địch được Mỹ - Anh giúp đỡ nhiều, nhưng quân đội viễn chinh bị sút kém về tinh thần, gặp khó khăn về tiếp tế, về bổ sung quân số, lại phải bố trí phân tán. Địch còn gặp hai khó khăn lớn ngay bên nước Pháp là: tài chính Pháp ngày một quẫn bách và phong trào phản chiến của nhân dân Pháp ngày càng cao.

So sánh thế lực giữa ta và địch, Hội nghị khẳng định: Thế của ta mạnh hơn địch vì: nội bộ địch lủng củng, còn toàn dân ta đoàn kết kháng chiến; hậu phương địch lung lay còn hậu phương ta vững và rộng, cơ sở của ta phát triển cả trong vùng tạm bị chiếm; địch bị phụ thuộc vào Mỹ - Anh, đồng thời mâu thuẫn với Mỹ - Anh, còn ta được lực lượng hòa bình, dân chủ thế giới, kể cả nhân dân Pháp nhiệt liệt ủng hộ, nhất là từ khi cách mạng Trung Quốc thành công, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lực của ta hiện còn kém địch về vật chất, nhưng hơn địch về tinh thần. Song lực lượng vật chất của ta có cơ phát triển mau, lực lượng vật chất của địch cũng có thể phát triển nữa nhưng không bù lại được lực lượng tinh thần của chúng sa sút mau chóng.

Thế và lực có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Thế mạnh có thể chuyển thành lực mạnh. Ta cần phải nhân đà tiến bộ, tích cực phát huy khả năng của ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, triệt để lợi dụng sự lúng túng và nhược điểm của địch, làm cho thế lực của ta lớn mạnh hơn "gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950 này”, "để trong năm 1950 ta có thể chuyển sang tổng phản công được".

Nghị quyết chỉ rõ: tổng phản công là phản công trong cả một giai đoạn chiến lược theo một kế hoạch chung cho chiến trường Đông Dương, là phản công từng đợt cho tới khi địch hoàn toàn thất bại, ta hoàn toàn thắng lợi. Muốn chuyển sang tổng phản công thì ta phải chiếm ưu thế về quân sự trên chiến trường chính (Bắc Bộ), trong khi ở các chiến trường khác, ta phải đủ sức kiềm chế địch. Phương châm chiến lược của ta trong cả giai đoạn tổng phản công là: vận động chiến đóng vai trò chủ yếu, du kích chiến và trận địa chiến đóng vai trò bổ trợ. Giai đoạn tổng phản công sẽ gay go nhất vì là giai đoạn quyết định thắng bại cuối cùng. Tình hình có khả năng diễn biến: giai đoạn tổng phản công có thể kéo dài, vì bọn đế quốc Mỹ - Anh tích cực can thiệp vào vấn đề Đông Dương, song cũng có thể rút ngắn nếu lực lượng dân chủ thế giới phát triển vượt bực và tích cực giúp đỡ ta, nếu song song với những thắng lợi của ta, những thắng lợi của lực lượng hòa bình, dân chủ ở Pháp làm cho nội tình nước Pháp rối loạn, quân đội thực dân Pháp ở Đông Dương tan rã. Dù sao ta cũng phải chuẩn bị đối phó với mọi tình thế khó khăn, đồng thời ra sức cố gắng để rút ngắn giai đoạn tổng phản công.

Nghị quyết đề ra chương trình công tác gồm 10 điểm nhằm gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị để chuyển sang tổng phản công trong năm 1950. Mười điểm đó là những việc cốt yếu và cấp bách thuộc các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội và xây dựng Đảng.

Ngày 4-7-1950, Ban Thường vụ Trung ương ra Thông tri sửa lại những chữ trong Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ ba vì "Trung ương không muốn đóng khung việc chuyển sang tổng phản công trong năm 1950".

-----------

Chú thích:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc và Liên Xô và hội đàm với Xtalin và Mao Trạch Đông theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Liên Xô và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 19-1-1950 đến cuối tháng 3 năm 1950.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.448-453, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực