Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày về Nhiệm vụ văn hoá Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước

Thứ hai, 07/10/2019 08:31
(ĐCSVN) - Ngày 16-11-1946, đồng chí Trường Chinh đệ trình Chủ tịch Hồ Chí Minh bản thuyết trình về Nhiệm vụ văn hoá Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước.

Về văn hoá và cách mạng giải phóng dân tộc, mục I của bản thuyết trình nêu rõ: trước cuộc cách mạng, văn hoá cách mạng đóng một vai trò khá quan trọng là tuyên truyền giác ngộ, cổ động nhân dân khởi nghĩa giành độc lập. Trong cuộc cách mạng, văn hoá cách mạng phải kích thích tinh thần khởi nghĩa, làm sôi nổi nhiệt huyết cách mạng của nhân dân, thôi thúc nhân dân nổi dậy tất cả giành lấy chủ quyền; kháng chiến giữ vững chủ quyền ấy. Sau cuộc cách mạng, văn hoá cách mạng phải động viên mọi lực lượng văn hoá của dân tộc, hăng hái tham gia kiến quốc; gây đời sống mới, gột rửa những tư tưởng, tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân, làm cho dân tộc có một nền văn hoá tiến bộ.

Bản thuyết trình của Tổng Bí thư nhấn mạnh thái độ các nhà văn hoá Việt Nam lúc này là phải tích cực tham gia mặt trận dân tộc, giành thống nhất và giành độc lập cho Tổ quốc. Phải đem hết năng lực ra cứu nước và xây dựng nước; lập trường của các nhà văn hoá Việt Nam lúc này phải là dân tộc và dân chủ, nghĩa là yêu nước và tiến bộ. Tổng Bí thư nêu ra bốn nhiệm vụ cụ thể của văn hoá Việt Nam giai đoạn này như sau:

1. Phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc, củng cố đức tin của dân tộc ở sự nghiệp dân tộc giải phóng.

2. Phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hoá cổ truyền của dân tộc; đồng thời bài trừ những cái xấu xa hủ bại.

3. Ngăn ngừa sức thâm nhập và tấn công của văn hoá phản động, văn hoá thực dân; đồng thời học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới, nhất là văn hoá Tàu và Pháp.

4. Kiến thiết một nền văn hoá mới cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bao gồm: giáo dục nhân dân, gây đời sống mới, phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến bộ, phát triển văn nghệ đại chúng.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.125-127, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực