Tổng bộ Việt Minh gửi thư cho các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở ngoài nước kêu gọi đoàn kết cứu quốc

Thứ hai, 30/09/2019 14:08
(ĐCSVN) - Tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập cho dân tộc, Đảng ta không chỉ vận động đồng bào trong nước mà còn chú ý đến đồng bào ta làm ăn, sinh sống ở Trung Quốc, Thái Lan và các đoàn thể cách mạng của kiều bào ở ngoài nước.

Ngày 25-10-1944, Tổng bộ Việt Minh gửi thư cho đồng bào và đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài kêu gọi đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Bức thư nêu lên truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong lịch sử, vạch rõ cảnh khổ nhục của dân tộc ta trong tình cảnh "một cổ hai tròng". Bức thư khẳng định: từ khi đế quốc đặt chân lên đất nước ta, dân tộc ta liên tiếp chiến đấu, nhưng sự nghiệp cứu nước vẫn chưa thành (...) vì ta còn rời rạc (...) muốn tự cứu phải thống nhất". Bức thư viết “Bài học thiêng liêng của lịch sử đã dạy ta muốn độc lập cần phải thống nhất”, “chúng ta mau xếp lại thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật – Pháp”; phải “gạt bỏ thành kiến đảng phái, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết thảy, dịch lại cùng nhau, đặng đúc thành một khối cứu quốc vô địch”.

Bức thư kêu gọi: "Thời cuộc biến chuyển mau lẹ (...). Phải mau thống nhất các lực lượng cách mạng trong ngoài và để kịp tập trung sức chiến đấu và bố trí những sức chiến đấu ấy theo một kế hoạch duy nhất (... ). Phải mau thống nhất các lực lượng cách mạng trong ngoài dưới một danh hiệu chung để kịp kêu gọi nhân dân ra trường chiến đấu cho có hiệu quả... để thoả thuận về chương trình xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và tiến bộ, sau khi quét sạch quân thù Nhật, Pháp ra khỏi nước".

Cuối cùng, Tổng bộ Việt Minh nêu rõ: "Chúng tôi nóng lòng trông đợi thư triệu tập toàn quốc đại hội của các đồng chí hải ngoại và xin nguyện trước bàn thờ Tổ quốc đem hết tinh thần và nghị lực ra chiến đấu cho dân tộc được thống nhất, đặng giành lấy hạnh phúc, độc lập và tự do".

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.878-879, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực