“Xứ Đoài mây trắng” - Tiểu thuyết về người nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám

Thứ sáu, 02/02/2018 13:19
(ĐCSVN) - “Xứ Đoài mây trắng” - tiểu thuyết đầu tay của cố nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng, nói về cuộc sống của người nông thôn xứ Đoài nói riêng và nông thôn Bắc Bộ nói chung những năm đầu thế kỷ 20, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay sau khi xuất bản đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của giới chuyên môn và bạn đọc.
Bìa cuốn tiểu thuyết. (Ảnh:dantri.com.vn)

Nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng (1942 - 2017) sinh tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, nguyên là Giám đốc Sở Lâm nghiệp Vĩnh Phú. Trải qua nhiều cương vị công tác, đi tới nhiều miền đất nước, yêu thích và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đã giúp ông có nhiều trải nghiệm về xã hội và nông thôn Việt Nam để đưa vào tác phẩm của mình. Cuốn tiểu thuyết có 34 chương là bức tranh tổng thể về xã hội nông thôn Bắc Bộ nói chung và cuộc sống của người nông dân vùng quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội nói riêng.

Có lẽ vì gắn bó với người nông dân nên hơn ai hết ông thấm thía cuộc sống của người nông dân cơ cực, nhọc nhằn nhưng lại rất đỗi hiền hậu, chất phác và giàu lòng nhân ái. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc không chỉ cảm nhận được tính nhân văn, tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn trong con người văn sĩ mà qua từng trang viết, còn có thể hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, đời sống làng quê Chàng Sơn hồi đầu thế kỷ XX. Cả nếp sống, cách ứng xử, tục cưới hỏi, hội quê, chợ quê, Tết quê, cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa…đều hiện lên trong tác phẩm hết sức sinh động và tự nhiện.

Với “lối đi riêng”, tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” của nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng cứ tự nhiên đi vào tâm thức người đọc một cách giản dị như chính những người dân Chàng Sơn, xứ Đoài vậy.

Đọc và cảm nhận về cuốn tiểu thuyết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: Tôi đọc cuốn tiểu thuyết "Xứ Đoài mây trắng" của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, lại nhớ đến quê tôi, cũng ở một làng quê nghèo “Kẻ Rủn”, một làng cổ xứ Thanh - làng Thạch Khê, tỉnh Thanh Hóa. "Xứ Đoài mây trắng" phản ánh rất đậm nét bức tranh sinh động về con người - cảnh vật - mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỷ 20, người nông dân Việt Nam bị hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến. Nông dân Việt Nam bất khuất, kiên cường, anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, họ càng đoàn kết, gắn bó cùng nhau vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, họ là quân chủ lực của Cách mạng, với lòng tự hào dân tộc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù. "Xứ Đoài mây trắng" là một tác phẩm rất hay nói về người nông dân Việt Nam trước kia về lòng yêu nước và dựng nước - Người nông dân hiện nay đang tiếp bước con đường cách mạng, họ rất tự hào về giai cấp mình, họ biết ơn sự đấu tranh quên mình của bao người con nông dân đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho đất nước nở hoa, kết trái Độc lập - Tự do - Hạnh phúc muôn nhà.

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học cũng nhận xét: Tác giả là người có sự am hiểu và trải nghiệm nhất định về lịch sử dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX… Con người thôn quê cộng sinh trong nếp sống, nếp tâm lý và ứng xử với tất cả sự tốt đẹp và ngô nghê, cổ hủ và láu cá, trong sáng và tăm tối, chân thành và điêu toa đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động … Nét phồn thực nhân tính muôn đời góp phần gia tăng phong vị đời thường và giá trị nhân văn cho tác phẩm. Xứ Đoài Mây Trắng là tiểu thuyết có “lối đi riêng” vào tâm thức người đọc. Nguyễn Sơn Đỗng quả là người tiên phong ở mảng văn học bình dân …”.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực