Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2021

Thứ sáu, 19/11/2021 19:14
(ĐCSVN) – Chiều 19/11, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức “Lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2021 và Khai mạc Triển lãm bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của Họa sĩ Vĩnh Khoa – Vink”.
Truyện Sau lũy tre xanh - trang số 3 của họa sĩ Vĩnh Khoa. (Bút danh Vink).

Tại buổi lễ, trên 100 hiện vật gồm 61 trang gốc truyện tranh, 20 tài liệu phụ, 14 cuốn truyện tranh xuất bản tại Bỉ và Thái Lan của vợ chồng họa sĩ Vĩnh Khoa (Vink và Claudine); 19 bản gốc tranh cổ động của họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng đã được các tác giả trao tặng cho lãnh đạo Bản tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Theo đại diện lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các hiện vật hiến tặng lần này được vợ chồng họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink, họa sĩ Lê Huy Hạnh trân trọng gìn giữ trong mấy chục năm qua, trong đó có những hiện vật đã hơn 50 năm tuổi. Đến nay, họ quyết định tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, thể hiện sự tha thiết muốn đóng góp nhằm làm giàu có, đa dạng hơn di sản mỹ thuật của thành phố Đà Nẵng. 

Cũng trong chiều ngày 19/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, (số 78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) diễn ra “Lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2021 và khai mạc Triển lãm Bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của Họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink”.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2021. Chương trình có 2 nội dung chính, gồm Lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2021 và khai mạc triển lãm bộ sưu tập trang gốc truyện tranh của Họa sĩ Vĩnh Khoa – Vink.

Họa sĩ Vĩnh Khoa sinh ngày 24/12/1950 tại Đà Nẵng. Sau khi học xong tú tài tại trường Pascal Đà Nẵng, ông theo học báo chí tại Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, sau đó sang Bỉ du học vào năm 1969 và định cư tại thành phố Liège, Bỉ cho đến nay.

Ông chính thức vào nghề mỹ thuật khi đã ở độ tuổi 30, với bút danh Vink. Ông từng hợp tác với Journal Tintin (báo Tintin) - báo dành cho thiếu nhi nổi tiếng ở Bỉ cùng với tờ Spirou. Tác phẩm trình làng đầu tiên của ông là bộ truyện tranh về cổ tích Việt Nam Derrière la haie de bambous (Sau lũy tre xanh) cho báo Tintin. Không lâu sau, ông được giới hội họa và phê bình chú ý nhiều hơn, khi ra mắt tác phẩm Lịch sử 1.000 năm thành phố Liège với cách thể hiện mới mẻ. Năm 1985, tên tuổi của Vink thực sự được khẳng định bằng giải thưởng truyện tranh lớn nhất của Bỉ với bộ truyện Le Moine Fou (Nhà sư điên). Đến nay, truyện tranh của Vink đã được cả châu Âu biết đến cả về số lượng lẫn chất lượng và phong cách. Ông không chỉ sống và làm việc trên đất Bỉ, mà còn đi nhiều nơi và là cộng sự đắc lực của Nhà Xuất bản Dargaud (Pháp). Ông cũng từng được Hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney mời sang Los Angeles (Mỹ) hợp tác trong bộ phim Mộc Lan.

 Truyện le-moine-fou, tập 9 trang 41 của Vink xuất bản năm 1985.

Vink là một trong những họa sĩ truyện tranh hiếm hoi sử dụng màu nước, bút sắt vẽ trực tiếp trên giấy. Mỗi trang tranh của ông thường mất đến gần một tuần để hoàn thiện. Ông đã vẽ tổng cộng khoảng 600 đến 700 bản. Ngoài một số bản bị mất, niềm vui của ông là tặng tranh cho người thân quen. Ông cũng đã bán một vài tác phẩm khi tổ chức triển lãm nhưng từ chối bán số lượng lớn cho các nhà sưu tầm dù nhận được rất nhiều đề nghị.

Năm 2021, Vink quyết định tặng một số tác phẩm cho thành phố Liège nơi ông gắn bó suốt 50 năm và thành phố Đà Nẵng, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2021 lần này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ chọn trưng bày giới thiệu đến công chúng 51 trang gốc các truyện tranh vẽ bằng bút sắt, màu nước và bút chì; 12 tranh thuộc sở hữu của gia đình họa sĩ tại Đà Nẵng và Huế (chất liệu: màu nước, sơn dầu); 20 tài liệu phụ liên quan đến sự nghiệp sáng tác của ông./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực