Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông được dệt từ vải lanh. (Ảnh: Báo Hà Giang)
Nghề trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá (Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) đã có từ lâu đời. Các sản phẩm từ sợi lanh được nhuộm với nhiều mầu sắc khác nhau để may quần áo, làm khăn quàng cổ, váy áo của phụ nữ, túi thổ cẩm, quần, áo của nam giới dân tộc Mông. Trang phục từ vải lanh đã gắn liền với các lễ hội và những ngày Tết, lễ, cưới hỏi…quan trọng của người Mông.
Trong những năm qua, khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và tỉnh Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá thì các sản phẩm từ vải lanh như khăn, áo váy, túi xách… đã được bán rộng rãi để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Sự độc đáo từ chất liệu vải lanh đã được các nhà thiết kế tạo thành các sản phẩm thời trang độc đáo cho các văn nghệ sĩ khi biểu diễn ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sản phẩm vải lanh còn là sự lựa chọn của các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước dùng để trang trí nội thất. Vì vậy, hằng năm, các hợp tác xã dệt lanh tại 4 huyện cao nguyên đá đều có đơn đặt hàng của một số nước như Pháp, Đức…
Để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông…Vì vậy, nghề dệt vải lanh của phụ nữ dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá không ngừng được phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trong những năm qua, nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức vai trò của nghề dệt vải lanh, chính quyền các huyện cao nguyên đá đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dệt vải lanh mở rộng quy mô phát triển làng nghề; đồng thời mở rộng nghề dệt vải lanh ra các địa phương khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, các huyện vùng cao nguyên đá xác định việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt vải lanh đã góp phần tạo nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Ngoài ra, các huyện vùng cao nguyên đá cũng đã xác định nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương mình.
Đồng chí Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Trong những năm qua, để khuyến khích nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông, huyện Quản Bạ đã tổ chức các Lễ hội của nghề thêu, nghề dệt vải lanh để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, qua các lễ hội cũng nhằm quảng bá các sản phẩm từ dệt lanh của các hợp tác xã trên địa bàn của huyện…”
Khi du khách đến với các làng nghề truyền thống của Hà Giang nói chung và nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá nói riêng không những được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với các nghệ nhân của làng nghề mà còn được trực tiếp thao tác các quy trình cũng như các công đoạn trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm.
Chị Giàng Thị Say, dân tộc Mông, Giám đốc hợp tác xã sản xuất vải lanh xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ cho biết: Trước kia, khi mới thành lập, các sản phẩm vải lanh của hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Nhưng nhờ có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh trong quá trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, các hội chợ, các khu du lịch…nên hiện nay các sản phẩm từ nghề dệt lanh của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm từ nghề dệt lanh của hợp tác xã đã nhận được sự quan tâm của khách tham quan và đã có mặt tại hầu hết các hội chợ trong và tỉnh. Từ đó đã tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mông trên địa bàn của huyện./.