Chưa thực sự tương xứng với vị thế, tiềm năng
Tính từ bộ phim “Đáng đời thằng Cáo”, là bộ phim hoạt hình (hoạt họa) đầu tiên được sản xuất năm 1959, đến nay, phim hoạt hình Việt cũng đã có trên 60 năm lịch sử phát triển. Những năm gần đây, tuy đã có bước phát triển nhất định song theo nhiều chuyên gia, phim hoạt hình Việt Nam còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, mong mỏi của công chúng.
Là phụ huynh của hai con đang ở tuổi thiếu nhi, chị Nguyễn Thị Khánh Hà ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Phim hoạt hình Việt Nam có tính giáo dục, định hướng lối sống cao cho con trẻ; tôi khá yên tâm khi để các con xem phim hoạt hình Việt. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, số lượng phim hoạt hình Việt được chiếu ở rạp không nhiều; trên truyền hình cũng chưa có kênh riêng mà chỉ có một vài phim ngắn; việc đưa các hiệu ứng kỹ xảo vào trong phim cũng hạn chế nên phim thường thiếu tính hấp dẫn với khán giả nhỏ tuổi”. Cháu Lê Thu Hằng (9 tuổi), con gái chị Hà hồn nhiên chia sẻ: “Cháu và em trai thích xem phim hoạt hình nước ngoài hơn, vì hình ảnh các nhân vật trong phim rất sống động, âm nhạc hay; trong đó có nhiều phim hoạt hình 3D rất hấp dẫn”.
|
Hình ảnh trong phim "Con Rồng cháu Tiên” , một tác phẩm nổi bật của phim hoạt hình Việt Nam.
(Ảnh chụp màn hình). |
Tìm hiểu được biết, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là một đơn vị chủ công trong sản xuất phim hoạt hình Việt. Bình quân hằng năm, đơn vị này đều cho ra đời 15 - 20 tác phẩm mới. Năm 2020, số lượng phim hoạt hình được Hãng sản xuất là 19 phim với 3 thể loại chính là phim 2D, phim 3D và phim cắt giấy vi tính. Các bộ phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất chủ yếu theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước nên đều là các bộ phim mang tính giáo dục và giải trí cao, phục vụ mục tiêu giáo dục phẩm chất đạo đức, định hướng lối sống, bồi dưỡng và hình thành nhân cách cho thiếu niên, nhi đồng. Vấn đề khai thác trong phim thường là các câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, học tập, các câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại hoặc cổ tích, sự tích, chứa đựng những bài học nhỏ, truyền tải đến khán giả những thông điệp giàu ý nghĩa của cuộc sống.
Tuy nhiên, đặc điểm chung của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay đó là thời lượng ngắn, phim thường xoay quanh các con vật khá đơn thuần và mô phạm; kỹ thuật, công nghệ chưa tiên tiến nên khó tạo được tính hấp dẫn đối với khán giả. Gần đây, sự xuất hiện của một số đơn vị sản xuất phim hoạt hình tư nhân ở trong nước đã cho ra đời những tác phẩm bước đầu có dấu ấn nhất định, như Hãng Phim hoạt hình Vintata với loạt phim 40 tập “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”; Colory Animation Studio với phim “Dưới bóng cây”; DeeDee Animation Studio với phim “Tàn thể: Tiền truyện”... Song, các đơn vị này cũng mới dừng lại ở việc sản xuất phim ngắn, chiếu miễn phí trên mạng, chưa đáp ứng được nhu cầu xem phim hằng ngày hoặc thưởng thức tại rạp của số đông khán giả.
Nâng tầm phim hoạt hình Việt
Thực tế cho thấy, thế giới đã có rất nhiều tác phẩm phim hoạt hình thành công với doanh thu cao. Đối với Việt Nam, những năm gần đây cũng đã có những bộ phim hoạt hình được đánh giá cao, có tần xuất chiếu lớn (bao gồm cả chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội...) và được đề cử các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Có thể kể đến bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” (sản xuất năm 2018, 21 triệu lượt xem), bộ phim “Dưới bóng cây” (sản xuất năm 2014, 3,9 triệu lượt xem); bộ phim “Truyền thuyết gươm thần” (sản xuất năm 2020, 304.000 lượt xem)...
Mới đây nhất, "Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo" với 50 bộ phim hoạt hình tiêu biểu sẽ được chiếu miễn phí phục vụ khán giả trên ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVGo nhân “Tháng hành động vì trẻ em năm 2021” đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo phụ huynh và các khán giả nhí. Sự kiện góp phần mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, thú vị, khích lệ các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam tiếp tục sáng tác những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa hơn. Có thể kể đến một số bộ phim tiêu biểu như: "Tia chớp nông nổi", "Những người bạn mới", "Trên đôi cánh bạn bè", "Ngôi sao xanh kỳ lạ", "Hành tinh hoa quả", "Vương quốc bánh kẹo", “Sự tích hoa phượng", "Truyền thuyết chiếc khăn Piêu", "Huyền thoại mắt biển", "Người anh hùng áo vải", "Cậu bé cờ lau"... Điều này cho thấy, khá giả vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phim hoạt hình Việt Nam. Để xứng đáng với tình cảm và sự mong mỏi của khán giả, đòi hỏi những người làm phim hoạt hình Việt Nam cần không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.
|
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. (Ảnh: VĐ). |
Từ góc nhìn chuyên môn, Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ, để sản xuất một bộ phim hoạt hình cần rất nhiều yếu tố. Phải có sự chuẩn bị về mặt chuyên môn là đội ngũ nhân lực bao gồm nhiều thành phần: biên kịch, đạo diễn, họa sĩ của nhiều khâu như tạo hình - diễn xuất - làm phông - tổng hợp hình ảnh, âm thanh, âm nhạc… Phải chuẩn bị máy móc chuyên dụng, trang thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất… Muốn nâng cao chất lượng phim, trước hết cần chú trọng chất lượng các khâu như biên kịch, đạo diễn, họa sĩ tạo hình, họa sĩ diễn xuất và nhạc sĩ. Trong đó đội ngũ biên kịch cần phải được quan tâm hàng đầu. Phim hoạt hình Việt cần có sự đổi mới toàn diện về kịch bản để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở thời đại. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cũng cần từng bước thay đổi tư duy sản xuất và thay đổi quan niệm về phim hoạt hình. Xu thế chung trên thế giới hiện nay đã không còn quan niệm phim hoạt hình là chỉ dành cho trẻ nhỏ. Phim hoạt hình cũng giống như mọi sản phẩm điện ảnh khác, nếu là tác phẩm hay thì có thể tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của mọi lứa tuổi. Việc nắm bắt được nhu cầu khán giả, dự đoán xu hướng… sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà làm phim thay đổi tư duy sáng tạo, bắt kịp các xu thế mới về sản xuất phim hoạt hình của thế giới.
Vê lâu dài, rất cần đến vai trò "bà đỡ" của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách, đến việc đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp về kỹ thuật, công nghệ, và quan trọng nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Có như vậy mới góp phần nâng tầm phim hoạt hình Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả./.