Cao nguyên Kon Hà Nừng - Sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 16/09/2021 17:53
(ĐCSVN) - Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo tiền đề cho sự kết hợp cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tỉnh Gia Lai quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ phát triển khác nhau.
leftcenterrightdel
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng của vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, còn gọi là "Nóc nhà Đông Dương"(Ảnh: Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng)

 Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có diện tích 413.511,67 ha tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ở khu vực Tây Nguyên với hệ thống động, thực vật rất phong phú và đa dạng, nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao được khoanh thành 3 vùng. Vùng lõi có diện tích 57.589 ha gồm Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng; vùng đệm có diện tích 152.009 ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 206.211 ha.

Tên gọi Kon Hà Nừng là tên của vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, còn gọi là Nóc nhà Đông Dương” với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700m với nhiều loại đặc hữu mới phát hiện gần đây như loài Khứu Kon Ka Kinh, Chà vá chân xám là loại linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Không chỉ sở hữu những cánh rừng rộng lớn với các đặc điểm chuyên biệt rừng Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống.

leftcenterrightdel
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… (Ảnh: Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng)

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Với đặc điểm chủ yếu là rừng sinh thái tự nhiên thì việc quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ rừng được tiến hành ở khu vực hành lang kết nối giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được xem là một thí điểm của loại hình này. Mục đích của hoạt động này nhằm đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của các cộng đồng địa phương trong lưu vực sông Srepok và Sesan theo hướng bền vững thông qua quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan và chia sẻ công bằng lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, chính quyền và đối tác liên quan tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương tham gia vào bảo tồn, phục hồi rừng ở khu vực hành lang giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, đồng thời hỗ trợ bà con phát triển các mô hình nông lâm nghiệp bền vững tại địa phương, góp phần giảm sức ép lên tài nguyên rừng.

leftcenterrightdel
Chà vá chân xám là loại linh trưởng đặc hữu của Việt Nam tại Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (Ảnh: Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng)

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cần xác định vai trò, năng lực cũng như mối quan tâm của các bên liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, qua đó đề xuất thiết lập một tổ chức đại diện của cộng đồng dưới tên gọi Tổ Lâm nghiệp cộng đồng (LNCĐ) ở các thôn. Tổ đóng vai trò là cầu nối giữa người dân với các chủ rừng và chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy, phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và trao đổi, thỏa thuận các vấn đề liên quan.

Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực tổ chức cho cộng đồng về kỹ năng lập kế hoạch, quản lý nhóm, kỹ năng tuyên truyền, đàm phán, thảo luận cùng các chủ rừng và chính quyền xã nhằm thống nhất cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng lâm sản trên địa bàn, nhấn mạnh việc cấm khai thác những loài động thực vật bị đe dọa trong khu dự trữ sinh quyển; lập kế hoạch phối hợp tuần tra rừng định kỳ và giám sát đa dạng sinh học đối với những loài động, thực vật quý hiếm; thúc đẩy phát triển các sinh kế gắn với sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững thông qua việc hỗ trợ người dân thực hiện các gói tài trợ nhỏ để phát triển sinh kế hộ gia đình theo nguyên tắc có sự đóng góp của người dân và thực hiên theo tiêu chí: Có tính sáng tạo, mới; đáp ứng yêu cầu về các phương thức canh tác xanh, sạch, thân thiện với môi trường; tận dụng được các thế mạnh của địa phương về điều kiện đất đai, khí hậu và tài nguyên rừng; các kết quả thu được mang tính bền vững, lâu dài, có khả năng mở rộng áp dụng; phù hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của xã; khuyến khích cộng đồng nâng cao đời sống gắn với sử dụng rừng bền vững, hướng tới chia sẻ công bằng các lợi ích từ tài nguyên rừng.

leftcenterrightdel
Việc UNESCO công nhận Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu DTSQTG tạo tiền đề cho sự kết hợp cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng)

Đặc biệt, mô hình còn giúp thúc đẩy người dân và cộng đồng tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng sau này, nhất là khi Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO chính thức công nhận.

Có thể nói đây là một mô hình đáng tham khảo bởi trên thực tế, đối với những địa bàn có nhiều loại hình rừng và chủ rừng khác nhau trên cùng một khu vực thì có rất ít cơ chế nào tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là khi khu vực đó có giá trị đa dạng sinh học cao, có ý nghĩa lớn đối với công tác bảo tồn như ở khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo tiền đề cho sự kết hợp cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tỉnh Gia Lai quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ phát triển khác nhau.

Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu DTSQ, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của cộng đồng dân cư; xây dựng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển có chức năng, thẩm quyền rõ ràng; tích cực hợp tác với các khu DTSQ khác để chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các khu DTSQ đã gặp phải; góp phần tích cực thúc đẩy du lịch tại các khu DTSQ phát triển, xứng tầm với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi./.

 
Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực