Chiến thắng Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ là bản anh hùng ca trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta

Thứ sáu, 29/04/2022 10:27
(ĐCSVN) - Thắng lợi chiến dịch Trị - Thiên và cuộc tiến công chiến lược năm 1972 khẳng định bước phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và mở ra nhận thức lý luận mới về nghệ thuật tác chiến tiến công chiến lược.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972, sáng 29/4, tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo

Các đồng chí Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; các nhân chứng lịch sử…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Cách đây 50 năm, thực hiện quyết tâm đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam trong năm 1972, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Trị - Thiên được xác định là hướng tiến công chủ yếu, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai hướng phối hợp quan trọng, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giành thắng lợi đã giải phóng tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Sau đó, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên chuyển vào phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng, trong đó Thành cổ Quảng Trị là trọng điểm. Chiến thắng Quảng Trị và chiến công bảo vệ Thành cổ cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trong cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972 và chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã tạo nên bước ngoặt quyết định cục diện chiến tranh, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển, tỉnh Quảng Trị là một trong những điểm sáng, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng bà bảo vệ Tổ quốc.

Theo đề dẫn Hội thảo, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 cách đây 50 năm, đã tạo cho ta tình thế cách mạng thuận lợi, thúc đẩy đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch giành nhiều thắng lợi, góp phần vào thành công chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Pari, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ và thế giới phản đối chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Đề dẫn khẳng định: Từ năm 1969 đến năm 1971, với nhiều kế hoạch và biện pháp mạnh nhằm thực hiện bằng được Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã không đạt được mục tiêu đề ra mà còn phải chịu những thất bại nặng nề hơn trên chiến trường. Mỹ âm mưu tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và rút dần quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam, nhằm xoa dịu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang ngày càng lan rộng ở Mỹ và tạo lợi thế cho bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 1972. Theo đó, Mỹ đẩy nhanh xây dựng lực lượng ngụy quân và hệ thống phòng ngự, hòng đẩy mạnh “bình định” vùng tạm chiếm và nông thôn đồng bằng, bảo đảm “an ninh lãnh thổ” trên phần lớn miền Nam Việt Nam. Đồng thời, chúng mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá cơ sở cách mạng, kho tàng, các vùng quan trọng trên tuyến vận tải chiến lược của ta; đưa không quân hoạt động trở lại đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam… với mục đích làm điều kiện để “mặc cả” với Chính phủ ta trong đàm phán tại Hội nghị Pari.

Trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam năm 1972, nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và Học thuyết Nichxơn, giành thế chủ động trên chiến trường, tạo chuyển biến và cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Sau khi xem xét thực tế diễn biến trên chiến trường, nhất là so sánh tương quan lực lượng và kết quả công tác chuẩn bị cho hướng Đông Nam Bộ; mặc dù ta đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, nhưng vẫn chưa thể bảo đảm yêu cầu tác chiến trên quy mô chiến lược giành thắng lợi. Đến ngày 11/3, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp, chính thức quyết định phương hướng cho cuộc tiến công chiến lược  năm 1972 như sau: Trị - Thiên, trước xác định là hướng phối hợp quan trọng, nay chuyển thành hướng chiến lược chủ yếu. Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972.

Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ Thành cổ diễn ra hết sức ác liệt và giành thắng lợi vẻ vang trong điều kiện mỗi bên đều tập trung nỗ lực cao nhất giành thắng lợi quân sự, phục vụ đấu tranh ngoại giao ở giai đoạn quyết định cho một giải pháp chính trị.

Thắng lợi đòn tiến công quân sự trên hướng tiến công chủ yếu Trị - Thiên, cùng với các hướng chiến lược khác đã góp phần giải quyết căn bản nhiệm vụ của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với 05 nội dung cơ bản gồm: là tác chiến chiến dịch - chiến lược có quy mô lớn nhất từ trước đến năm 1972, cả về không gian, thời gian và lực lượng sử dụng (lần đầu tiên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đòn tiến công quân sự đã giải phóng được không gian chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, đó là tỉnh Quảng Trị - nơi đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên chiến trường miền Nam); ta đã bảo vệ Thành cổ và giữ vững vùng giải phóng trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhất, làm thất bại âm mưu tái chiếm nhanh Quảng Trị hòng tạo lợi thế trên bàn đàm phán Pari của địch; thắng lợi đòn tiến công quân sự trên hướng Trị - Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và nổi dậy ở Khu 5, Khu 8, cùng với thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972… là những thắng lợi quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định làm thất bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua. Thắng lợi chiến dịch Trị - Thiên và cuộc tiến công chiến lược năm 1972 khẳng định bước phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và mở ra nhận thức lý luận mới về nghệ thuật tác chiến tiến công chiến lược; chiến thắng trên địa bàn chiến lược Quảng Trị là bản anh hùng ca trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương; các sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Tại Hội thảo, với tinh thần khách quan, khoa học, đổi mới, sáng tạo, các đại biểu tham dự sẽ tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn một số nội dung yếu như: phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của Mỹ và quân đội Sài Gòn hòng củng cố tuyến phòng thủ vòng ngoài, bám trụ địa bàn chiến lược, tạo ưu thế về quân sự để giành lợi thế trên bàn đàm phán Pari; khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, giữa “đánh và đàm” trên bàn Hội nghị Pari và việc chuyển hướng tiến công chủ yếu ở Trị - Thiên, giành và giữ địa bàn chiến lược Quảng Trị năm 1972; phân tích và làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, tiến hành Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ năm 1972; nghệ thuật chiến dịch tiến công và nghệ thuật tổ chức thế trận phòng ngự của quân và dân ta trên địa bàn chiến lược Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm rõ những kết quả và tác động to lớn của thắng lợi Chiến  thắng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ đối với việc ký kết Hiệp định Pari (27.1.1973) và tác động của nó đối với sự phát triển về thế và lực của lực lượng cách mạng ở miền Nam; tiếp tục làm nổi bật những thành tựu trong lãnh đạo, chỉ đạo và những chuyển biến quan trọng của Quảng Trị trong 50 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy giá trị hòa bình, tinh thần quyết chiến, quyết thắng năm 1972 vào công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển quê hương Quảng Trị, cũng như xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực