Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc

Thứ sáu, 06/12/2024 09:50
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, với số phiếu tán thành rất cao. Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Cảm xúc của Chủ tịch như thế nào khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Có thể nói, Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của Nhân dân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các trí thức, các chuyên gia, các Ban, bộ ngành Trung ương. Trên cơ sở những căn cứ pháp lý, chính trị, thực tiễn và điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng Đề án với phương án mô hình đô thị nhằm sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp một cách hợp lý và đã đạt được sự đồng thuận cao.

Tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.

 Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới  cho Huế phát triển. 

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường...

Đây cũng là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua.

PV: Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới. Vậy công tác nhân sự, sắp xếp cán bộ, viên chức được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc thành lập các quận, huyện, xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Trong quá trình xây dựng Đề án, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp bộ máy, nhân sự. Việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ và đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương. 

PV: Đồng chí có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức lớn của Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ?

Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”,... khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến - 8 di sản”, do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.

Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường.

Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cuối cùng, là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức. Câu chuyện về Thừa Thiên Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.

PV: Vậy cần giải quyết khó khăn, thách thức như thế nào, thưa đồng chí?

Trong quá trình phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị. Theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp,…). Với các bài toán quy hoạch cụ thể đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. 

Trên cơ sở định hình về phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3,... Tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị,…  

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.

Đối với công tác bảo tồn di sản: Tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.

Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và tiếp tục tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn.

Nhờ vào các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.

PV:  Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đơn giản hóa TTHC, hệ thống hóa bộ TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, thường xuyên tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý.

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số PCI, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng hạng bộ chỉ số một cách phù hợp; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn; và đưa kết quả DDCI vào để đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách của Trung ương, chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, thuê mua các giải pháp công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,... góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; đã kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả hơn 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã được chấp thuận, lựa chọn nhà đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư;,…

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành cũng thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật cũng được Sở triển khai liên tục đến doanh nghiệp.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ kế hoạch tổ chức công bố sự kiện quan trọng này của tỉnh?

Việc công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn đối với cả khu vực và đất nước. Để công bố và tổ chức sự kiện này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng kế hoạch cụ thể, kỹ lưỡng để tổ chức một sự kiện trang trọng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi của Nhân dân toàn tỉnh với cả nước. Sau khi Kế hoạch được ban hành, tỉnh sẽ cung cấp thông tin cụ thể để người dân được biết, theo dõi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực