Chú trọng phát triển nguồn nhân lực các Tạp chí của Đảng trong bối cảnh truyền thông đa nền tảng

Thứ sáu, 23/04/2021 15:21
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh truyền thông đa nền tảng cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, “hội tụ báo chí truyền thông” và “nhà báo đa năng” vừa mang lại thời cơ, vừa đặt ra những thách thức đòi hỏi các cơ quan báo chí, Tạp chí của Đảng tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đào tạo được nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Nhân lực luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của một tổ chức, một quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Đối với các cơ quan báo chí nói chung và Tạp chí của Đảng nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực còn ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp thông tin, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, trong xu thế truyền thông đa nền tảng hiện nay đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Tạp chí của Đảng để theo kịp được với sự phát triển.

Mặt khác, hiện nay Tạp chí các ban đảng Trung ương đang trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận 26-KL/TW “Về kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả Tạp chí các ban đảng Trung ương hiện nay”, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần hợp nhất Tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện thì việc hoàn thiện đội ngũ nhân cũng trở nên vô cùng cấp thiết. Khi xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sẽ đảm bảo thực hiện được đúng và đầy đủ vị trí, vai trò của báo chí nói chung, Tạp chí của Đảng nói riêng trên mặt trận tư tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã tin tưởng giao phó.

Báo chí đa nền tảng người đọc tiếp cận tin tức trên các nền tảng kỹ thuật số

leftcenterrightdel
 

Ngày nay cùng với sự hội tụ của kỹ thuật số là sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của Internet và sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới. Trong những năm qua sự phát triển đó đã có ảnh hưởng to lớn đến cách thức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trong thế kỷ 21, đồng thời đang tái định hình toàn bộ nguyên lý kinh tế của ngành công nghiệp truyền thông.

Báo chí đa nền tảng là xu hướng báo chí mà người đọc có thể tiếp cận tin tức trên tất cả các nền tảng kỹ thuật số khác nhau. Trong đó, đa nền tảng là một thuật ngữ chỉ các phần mềm máy tính hay các phương thức điện toán và các khái niệm được thực thi đầy đủ và vận hành cùng nhau trên nhiều nền tảng máy tính. Như vậy, xu hướng báo chí đa nền tảng giúp các cơ quan báo chí truyền thông khai thác tối đa tài nguyên của mình để phục vụ độc giả một cách hiệu quả. Chính sự phát triển của khoa học và công nghệ, cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội buộc báo chí phải thay đổi. Hiện nay, có 3 nền tảng chiến lược là website, ứng dụng di động và mạng xã hội.

Đối với báo chí, mô hình báo chí đa nền tảng hướng tới phục vụ độc giả được phát triển trên những nền tảng tiên tiến nhất. Chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh, người dùng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của bản thân, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân.

Do đặc thù của mỗi nền tảng mà nội dung và hình thức trình bày khác nhau. Đối với nền tảng di động (ứng dụng di động) nhiều quan niệm cho rằng, đây là phiên bản thu nhỏ của nền tảng website. Tuy nhiên, màn hình điện thoại di động dù to đến đâu cũng không thể bằng màn hình máy tính, chính vì vậy, báo chí trên nền tảng di động yêu cầu mỗi tòa soạn báo phải thay đổi cách viết, cách trình bày... sao cho ngắn gọn, súc tích, phù hợp với người sử dụng, đáp ứng yêu cầu đa phương tiện trong một tác phẩm.

Khi hoạt động theo mô hình báo chí đa nền tảng đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm chủ công nghệ nhằm kết hợp các nền tảng trong một chỉnh thể thống nhất. Đây là đặc điểm quan trọng trong mô hình báo chí đa nền tảng. Điều này cho phép một cơ quan báo chí khi phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau được liên kết thống nhất với sự tương tác của độc giả.

Hiện nay, trên thế giới có xu hướng làm báo trên nền tảng thứ ba (distributed content). Đây là điểm khác biệt của mô hình báo chí đa nền tảng, khi các cơ quan báo chí trao nội dung cho các nền tảng như Facebook hay Twitter mà không cần gắn kết trở lại với website để người dùng có thể truy cập một cách nhanh chóng. Người đọc “click” vào đường “link” một bài báo được dẫn link trên mạng xã hội, đường link sẽ không dẫn về trang báo điện tử mà hiện thành một trang mới, tiết kiệm từ 2 - 5 giây cho độc giả. Snapchat là nền tảng đầu tiên áp dụng xu hướng này và được đưa ra vào tháng 1/2015. 6 tháng sau, Facebook cho ra mắt Instant Articles (bài viết nhanh, trên nền tảng di động, giúp hiển thị nhanh hơn tới 10 lần so với web di động thông thường), sau đó thêm Google, Instagram nhanh chóng nhảy vào cuộc đua nền tảng truyền thông xã hội…

Có thể nói, mô hình báo chí đa nền tảng đòi hỏi tận dụng tối đa các chất liệu làm báo khác nhau để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm báo chí. Nếu cơ quan báo chí đa nền tảng làm chủ được công nghệ và thiết lập được các công nghệ sẽ khiến hoạt động của mô hình trở nên tiện lợi, hiệu quả hơn và trong xu thế người đọc muốn tiết kiệm thời gian tối đa thì đây được xem là đòi hỏi tất yếu. Sự phát triển của truyền thông đa nền tảng đòi hỏi nhân lực làm việc trong lĩnh vực báo chí trong đó có các Tạp chí của Đảng phải nỗ lực vươn lên, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay.

Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của nguồn lực đối với các Tạp chí của Đảng

Với chức năng là những cơ quan nghiên cứu tuyên truyền, hướng dẫn đường lối, chính sách của Đảng, cơ quan lý luận, chính trị và ngôn luận của Đảng, các Tạp chí của Đảng là những cơ quan báo chí có nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ về các công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, Tạp chí của Đảng có nhiệm vụ đấu tranh, chống lại những luận điệu xuyên tạc, thù địch từ các thế lực trong và ngoài nước. Hiện nay, các Tạp chí của Đảng có Tạp chí Cộng sản và 7 tạp chí thuộc các ban Đảng Trung ương là Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Kiểm tra, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Dân vận, Tạp chí Nội chính, Tạp chí Kinh tế, Tạp chí Đối ngoại. Các tạp chí hiện nay bên cạnh các ấn phẩm chính là tạp chí in phát hành hàng tháng còn có các trang tin điện tử hay phiên bản điện tử được kế thừa các nội dung và phát triển các chuyên mục trên tạp chí in.

Về nguồn nhân lực trong các Tạp chí của Đảng, theo số liệu điều tra cơ bản trong những năm qua trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ công tác trong các Tạp chí của Đảng không ngừng được tăng lên qua các năm. Đội ngũ làm trong các tạp chí có trình độ rất cao là từ đại học trở lên. Hiện nay, các Tạp chí của Đảng có khoảng 26 tiến sĩ chiếm 15,9%; có 8 phó giáo sư chiếm 4,9%; 65 cán bộ có trình độ thạc sỹ chiếm khoảng 39,9% đây thường là các biên tập viên, nhà báo những người có kinh nghiệm thực tế và khả năng làm báo cao. Trình độ từ trung cấp đến đại học có 73 người chiếm 44,8%. Theo nhận định, trình độ học vấn nguồn nhân lực tại các cơ quan tạp chí của Đảng hiện nay khá cao với trên 50% cán bộ có trình độ từ thạc sỹ trở lên và có 4,9% có trình độ phó giáo sư đây là nguồn nhân lực có chất lượng khá cao so với các cơ quan báo chí khác.

Đánh giá về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Tạp chí của Đảng, Kết luận số 26-KL/TW ngày 29/12/2017 của Ban Bí thư về kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạp chí các ban đảng Trung ương hiện nay đã nhận định: Trong những năm vừa qua, Tạp chí các ban Đảng Trung ương đã khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan ngôn luận của các ban đảng Trung ương; góp phần tuyên truyền, phổ biến, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tác dụng thiết thực trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, trao đổi, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Tuy nhiên, Tạp chí các ban đảng Trung ương còn có hạn chế, nội dung và hình thức chưa thực sự hấp dẫn, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc cung cấp, định hướng thông tin cho đội ngũ những người làm công tác đảng và cán bộ, đảng viên. Số lượng phát hành một số tạp chí còn ít; việc đọc và hiệu quả sử dụng tạp chí chưa cao. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do mô hình, phương thức hoạt động của Tạp chí các ban Đảng Trung ương chưa theo kịp sự phát triển của báo chí hiện đại; tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cơ chế tài chính còn bất cập; bản lĩnh, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, phóng viên, biên tập viên còn hạn chế.

leftcenterrightdel
Lớp đào tạo, bồi dưỡng làm báo đa phương tiện cho đội ngũ nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức năm 2019 - Ảnh: PC

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, xu hướng phát triển của báo chí, nhất là sự phát triển của Internet và mạng xã hội cần phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạp chí các ban đảng Trung ương, khắc phục những hạn chế nêu trên. Bởi những năm gần đây với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ truyền thông, mạng internet, thiết bị di động cầm tay... đã làm thay đổi căn bản cấu trúc, phương thức truyền thông, từ quá trình sản xuất chương trình, truyền dẫn, thiết lập tương tác, tiếp nhận thông tin của công chúng. Từ đó xuất hiện ngày càng phổ biến mô hình tòa soạn hội tụ các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện.

Báo chí truyền thống như các Tạp chí của Đảng vì vậy đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo mạng điện tử về tốc độ truyền tin và khả năng tương tác với công chúng. Xu hướng đa nền tảng cũng ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư và các phương thức sử dụng nguồn lực, nó cũng giúp các cơ quan truyền thông khai thác tối đa tài nguyên của mình trong khi tiết kiệm được chi phí, và phục vụ độc giả một cách hiệu quả hơn. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa nền tảng với nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông.

Những tác động của truyền thông đa nền tảng đã đặt ra và tạo ra những hạn chế, thách thức cho các cơ quan Tạp chí của Đảng. Với những thách thức và vấn đề đặt ra rất cần những giải pháp nâng cao chất lượng lượng nhân lực cho các tạp chí của Đảng, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của bối cảnh truyền thông đa nền tảng hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, xu hướng phát triển của báo chí, nhất là sự phát triển của Internet, mạng xã hội, cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức cần thiết phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực Tạp chí của Đảng trong bối cảnh truyền thông đa nền tảng.

Trước hết, cần phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của phát triển nguồn lực đối với các Tạp chí của Đảng, với chức năng là những cơ quan nghiên cứu tuyên truyền, hướng dẫn đường lối, chính sách của Đảng, cơ quan lý luận, chính trị và ngôn luận của Đảng, nằm trong hệ thống báo chí cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì nhiệm vụ này càng quan trọng hơn. Điều đó đặt lên đôi vai đội ngũ phóng viên, biên tập viên và các Tạp chí của Đảng trách nhiệm xã hội nặng nề và nghĩa vụ công dân cao cả; đòi hỏi người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp vững vàng.

Việc nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các Tạp chí của Đảng giữa bối cảnh truyền thông đa nền tảng giúp các tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được quy định, có nhiều sản phẩm báo chí có giá trị về nhiều mặt, được bạn đọc đánh giá cao. Theo đó, cần phải xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở nội lực và khai thác năng lực từ phía các cơ quan cấp trên, sự giúp đỡ của các tổ chức, bộ, ban, ngành bên ngoài, của các tổ chức phi chính phủ... Đồng thời ban hành các chế độ, chính sách, quy định nhằm khuyến khích động viên, bắt buộc, tạo điều kiện cho cán bộ phóng viên, biên tập viên thường xuyên tự đào tạo để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng giao tiếp phục vụ công tác thương mại của báo. Xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tế.

Thứ hai, hoàn thiện, đổi mới công tác hoạch định phát triển nguồn nhân lực cho các tạp chí của Đảng. Xác định hoạch định phát triển nguồn nhân lực là một nội dung quan trọng, làm tiền đề và điều kiện cho việc xây dựng chiến lược và thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Ở các Tạp chí của Đảng hiện nay, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, còn mang tính hình thức và thụ động theo cơ chế hành chính. Về chất lượng nguồn nhân lực, các đơn vị dựa vào bằng cấp mà chưa quan tâm tới năng lực cần đạt được theo vị trí việc làm. Do vậy, đổi mới công tác hoạch định phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách.

Trong hoạch định phát triển nguồn nhân lực cần xác định yêu cầu về năng lực đối với từng nhóm nhân lực thay cho cách tiếp cận của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây là đi từ chỉ tiêu kế hoạch và chỉ quan tâm đến số lượng. Phải dựa trên cơ sở phân tích, mô tả công việc ngay khi thiết kế các vị trí công việc để đưa ra yêu cầu năng lực làm tiêu chí cho tuyển dụng; thực hiện nhất quán quan điểm không “đánh đổi chất lượng bằng số lượng” trong lập kế hoạch nhân lực của các Tạp chí của Đảng.

Theo đó, công tác hoạch định phát triển nguồn nhân lực cần phải đảm bảo theo đúng quy trình tích hợp với chiến lược và kế hoạch mục tiêu của tạp chí. Cơ sở hoạch định phát triển nguồn nhân lực gồm mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển, cơ cấu tổ chức. Điều này được được thể hiện ở việc dự báo quy mô, cơ cấu và đặc biệt là yêu cầu về năng lực các vị trí công tác. Bên cạnh đó, căn cứ hoạch định còn là sự phân tích kết quả đánh giá nguồn nhân lực hiện có và tình hình tổ chức, quản lý phát triển nguồn nhân lực của các Tạp chí của Đảng. Cụ thể, hoạch định phát triển nguồn nhân lực cần được thực hiện mang tính hệ thống từ các tạp chí đến các đơn vị, phòng ban ở các cấp thông qua việc phân tích khoa học các căn cứ và dữ liệu gắn chặt với yêu cầu về năng lực thực hiện của nguồn nhân lực trong bối cảnh đa nền tảng ở thời kỳ hoạch định.

Ngoài ra các Tạp chí của Đảng cũng cần bổ sung, hoàn thiện “Đề án vị trí việc làm” theo mô hình tổ chức bộ máy theo yêu cầu trong bối cảnh đa nền tảng, từ đó làm căn cứ để định ra khung chỉ tiêu cho mỗi chức danh; đồng thời xác định khung tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ và tiêu chí sử dụng cán bộ cho mỗi chức danh. Định kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cho mỗi chức danh; đồng thời định kỳ tiến hành quy hoạch cán bộ cho từng giai đoạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn). Mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, có trình độ, có năng lực, có thực tiễn công tác, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mạnh dạn điều động và luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển nguồn nhân lực cho các Tạp chí của Đảng. Trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các tạp chí của Đảng, đây được xem là giải pháp quan trọng. Cùng là biện pháp nền tảng để giải quyết những tồn đọng cơ bản trong thực tế phát triển nguồn nhân lực tại các tạp chí Đảng trong bối cảnh đa nền tảng hiện nay.

Việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cần xây dựng cụ thể và đầy đủ. Thay vì chỉ căn cứ vào số lượng nhân lực tuyển mới, mục tiêu chiến lược phát triển, yêu cầu của công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, đề án vị trí việc làm theo mô hình tổ chức theo yêu cầu trong bối cảnh đa nền tảng…thì bên cạnh đó, các Tạp chí của Đảng cần sử dụng thêm căn cứ trình độ, năng lực chuyên môn và nhu cầu, nguyện vọng đào tạo của đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Việc căn cứ vào nhu cầu, trình độ thực sự của nhân lực giúp các Tạp chí của Đảng có thể nắm bắt được những nội dung đào tạo còn thiếu, còn yếu của đội ngũ nhân lực để giúp họ hoàn thiện bản thân mình hơn đồng thời đạt được các mục tiêu đào tạo, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như sức lực. Từ đó, các Tạp chí của Đảng có thể cân nhắc sự phù hợp giữa các mục tiêu của nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo của các tạp chí.

Cùng với đó, cần phải hoàn thiện lựa chọn phương pháp đào tạo cho phù hợp với bối cảnh truyền thông đa nền tảng. Đổi mới phương pháp giáo dục - đào tạo theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp truyền thống với công nghệ “mô phỏng” trên cơ sở nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Trong kỷ nguyên công nghệ số, yêu cầu đối với những nhà báo không chỉ biết viết báo, biết tiếp cận, phân tích, đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự mà còn phải biết kết nối các nguồn tin, tổ chức các sản phẩm báo chí… để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công chúng và biết xử lý các sự cố truyền thông trong khủng hoảng. Vì thế, phải chủ động đổi mới phương pháp đào tạo, chuyển từ đào tạo người viết báo sang đào tạo người làm báo, hướng tới xây dựng đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông đồng thời là những nhà “siêu kết nối” để có thể huy động, kết nối mọi nguồn lực trong quá trình phản ánh, truyền dẫn, định hướng và điều hòa dư luận xã hội. Trong giảng dạy, coi trọng áp dụng “phương pháp mô phỏng” bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại, giúp người học kết hợp tốt hơn giữa tư duy lô-gic với trực quan sinh động. Cùng với đó, cần tổ chức theo “nhóm - ê kíp” làm báo để phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo của mỗi thành viên, giúp cho họ thành thạo nhiều kỹ năng làm báo; tạo sự gắn kết chặt chẽ trong “nhóm - ê kíp” để nâng cao năng lực toàn diện. Nhận thức đầy đủ vấn đề này mới có thể chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho các Tạp chí Đảng. Trong bối cảnh truyển thông đa nền tảng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thì hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học được coi là chìa khóa trong hội nhập và phát triển nguồn nhân lực. Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các tạp chí Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Qua đó nâng tầm vị thế của các tạp chí Đảng trên trường quốc tế.

Các tạp chí Đảng cần xây dựng chiến lược mở rộng hợp tác, hội nhập với khu vực và thế giới theo đường lối đối ngoại của Đảng ta, trong đó có những bước đi vững chắc, bền vững. Trước hết, cần xác định một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác quốc tế là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt trong bối cảnh đa nền tảng. Trong đó vấn đề mấu chốt là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bô, phóng viên, biên tập viên cũng như tiếp cận phong cách làm báo hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển. Tiếp tục khai thác tốt nhất những đối tác đã có, đồng thời tìm kiếm các đối tác mới với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực. Cần tăng cường trao đổi về đào tạo cán bộ, đào tạo ngoại ngữ, trao đổi giảng viên, mời báo cáo viên nước ngoài thường xuyên và định kỳ giảng dạy cho đội ngũ cán bô phóng viên, biên tập viên. Xây dựng chiến lược hợp tác, hội nhập, vấn đề có ý nghĩa quan trọng đó là công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ. Thực tiễn của các tạp chí Đảng, cũng như các cơ quan báo chí khác cho thấy vấn đề bất cập về ngoại ngữ cản trở nhiều đến mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Trong rất nhiều trường hợp thừa chỉ tiêu đi đào tạo nước ngoài vì không có cán bộ có đủ trình độ ngoại ngữ. Để hoạt động hợp tác quốc tế mang lại hiệu quả thiết thực, các Tạp chí Đảng cần sớm Ban hành Quy chế Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại mới và chỉnh sửa Quy chế Chi tiêu nội bộ để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các tạp chí Đảng chủ động, tích cực phát huy nội lực trong hợp tác quốc tế. Trước hết, công tác hợp tác quốc tế phải được nhận thức là nhân tố, động lực quan trọng cho phát triển, tránh tụt hậu của các Tạp chí Đảng với bên ngoài. Mặt khác các đơn vị, tập thể, cá nhân cũng cần thấy rõ vai trò chủ động sáng tạo của mình, phát huy nội lực: từ việc chuẩn bị cán bộ về chuyên môn, ngoại ngữ đến việc tìm đối tác hợp tác quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế trách nhiệm chính là của bô phận chức năng nhân sự nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của tất cả các đơn vị trong các Tạp chí của Đảng.

Thứ năm, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện phát triển nguồn nhân lực cho các Tạp chí của Đảng. Củng cố “khối phát triển nguồn nhân lực” trong cơ cấu bộ máy tổ chức bằng cách: thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nguồn nhân lực để giúp Tổng biên tập chỉ đạo thống nhất công tác hoạch định phát triển nguồn nhân lực và quản lý, thực hiện phát triển nguồn nhân lực trong Tạp chí; bố trí lãnh đạo và 1 bộ phận phòng, ban chuyên trách về phát triển nguồn nhân lực ở từng cấp.

Chuẩn hoá và chuyên môn hoá các chức danh quản lý phát triển nguồn nhân lực, theo đó quản lý phát triển nguồn nhân lực được coi là một chuyên môn nghiệp vụ có các vị trí chức danh trong bộ máy. Lực lượng cán bộ, nhân viên làm công tác này phải được chuẩn hoá và chuyên môn hoá qua các chương trình bồi dưỡng về nghiệp vụ với tính chuyên nghiệp cao. Để thực hiện được mục tiêu chuẩn hóa về chuyên môn cho đội ngũ này, trước hết các Tạp chí của Đảng cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về năng lực cho các chức danh cán bộ, chuyên viên quản lý chuyên trách. Từ đó, các đơn vị ở các cấp có cơ sở quy hoạch, tuyển chọn xây dựng và thực hiện bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ chuyên viên.

Tóm lại, trong bối cảnh truyền thông đa nền tảng cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, “hội tụ báo chí truyền thông” và “nhà báo đa năng”, việc nghiên cứu, vận dụng đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng những “nhà báo chiến sĩ” có chuyên môn tác nghiệp báo chí giỏi và có cái “tâm” đạo đức trong sáng, để mãi mãi là nhà báo “bút sắc, lòng trong, mắt sáng”. Để thực hiện được các mục tiêu cốt lỗi của người làm báo Đảng bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của mỗi nhà báo, biên tập viên, các Tạp chí của Đảng hiện đồng bộ các giải pháp mới đem lại hiệu quả. Bối cảnh truyền thông đa nền tảng hiện nay vừa mang lại thời cơ, vừa đặt ra những thách thức đòi hỏi các cơ quan quản lý phải biết tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đào tạo được nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu hiện nay./.

-----------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Cảnh Chí Hoàng, Trần Vĩnh Hoàng (2013), “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập (số 12).

2. Chu Văn Cấp (2012), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bề vững Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” tháng 8/2012.

3. Học viện Báo chí tuyên truyền (2008), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí và truyền thông đại chúng - Đào tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ hội nhập.

4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (Khóa XII).

5. Nguyễn Văn Tạo (2020), “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản số 934.

6. Trương Ngọc Nam (2018), “Đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông ở Việt Nam trong tình hình mới”, Tạp chí cộng sản ngày 8/8/2018.

7. Trần Đăng Thịnh (2012), “Phân biệt chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” tháng 8/2012.

Tuấn Vinh - Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực