COVID-19 sẽ bị đẩy lùi!

Thứ ba, 24/03/2020 18:00
(ĐCSVN) – Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, một công dân của Thủ đô Hà Nội đã gửi những suy nghĩ và cảm nhận của chị trong những ngày Hà Nội đang gồng mình chống đại dịch COVID-19.
leftcenterrightdel
 Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Nguồn ảnh: anninhthudo.vn).

Hôm nay thứ 3 ngày 24 tháng 3.

Hà Nội bầu trời sáng hơn, bầu không khí không còn bị tích tụ những vầng khói bụi, khiến hơi thở như bị chặn lại, và tiết trời đã nóng lên.

Hà Nội thêm những con số bệnh nhân dương tính với COVID-19. Có thể nói, đến lúc này, Hà Nội đã bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, và hết thảy đều đang nghĩ đến các biện pháp đối phó khi những tình huống xấu hơn có thể xảy đến rất nhanh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố COVID-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó khi dịch bệnh này hoành hành ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khiến nhiều ngàn ca nhiễm, và chết trên khắp thế giới.

Không ai nói ra, nhưng những người sống ở thủ đô Hà Nội những ngày này thực sự căng thẳng. Vấn đề căng thẳng là cả đất nước, cả thế giới, dĩ nhiên. Và đã căng thẳng suốt từ cuối tháng 12/2019 đến giờ.

Nhưng Hà Nội là thủ đô, và vừa qua đã đón hàng ngàn công dân Việt Nam từ các nước đi lao động phải về quê hương trốn dịch. Đón rất nhiều lượt khách quốc tế vẫn điềm nhiên đi du lịch Việt Nam, sang Hà Nội rồi tỏa đi khắp nơi: Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng…

Việt Nam đã ứng phó với đại dịch toàn cầu này một cách bài bản, đứng hướng

Có thể nói, ngay từ đầu mùa dịch, Chính phủ Việt Nam đã rất sáng suốt và bình tĩnh cân nhắc tình hình: Không chủ quan cũng không quá lo lắng bị động. Một loạt các giải pháp được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương. Học sinh theo tình hình thực tế, tiếp tục chưa được đi học. Sinh viên thời gian qua mới đến giảng đường, lại có lệnh nghỉ. Chính quyền thành phố, thậm chí cả Chính phủ đều hỏi ý kiến dân một cách dân chủ: nên cho con đi học hay tiếp tục nghỉ?

Các khu vực được bán khẩu trang và nước khử trùng đều đông người mua và tình trạng chung là hàng hết rất nhanh. Nhưng nạn đầu cơ lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá khẩu trang và các mặt hàng liên quan đã được ngăn chặn khá đồng nhất.

Các lễ hội các tổ chức đoàn thể hội nhóm đều dừng hoạt động. Hạn chế các hoạt động gặp gỡ hội họp không cấp thiết. Bố trí và khuyến khích làm việc học hành trực tuyến. Hạn chế đi lại, thông thương, hạn chế xuất nhập cảnh, theo từng thời kì đã điều chỉnh khá uyển chuyển và nhanh nhạy.

Ngày ngày tất thảy người dân và bộ phận phòng chống dịch của Chính phủ đều lo lắng xem tin cập nhật tình hình virus COVID-19 trên toàn thế giới. Trước tình hình có những người dùng mạng không chỉ xem các trang thông tin chính thức mà còn xem cả các trang mạng xã hội, cả những trang được coi là không chính thức để cập nhật và chọn lọc; để tránh những fake news gây hoang mang, các hệ thống truyền thông như báo, đài đều có những khuyến cáo, đưa ra những ví dụ cụ thể cho người dân tránh được những thông tin đưa sai về dịch bệnh, gây lo lắng hoảng sợ, hiểu nhầm, thậm chí vô tình xâm phạm đến quyền cá nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Chính phủ kêu gọi nhân dân “Chống dịch như chống giặc”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp, và các lãnh đạo trở thành hình ảnh tin cậy của cộng đồng. Dường như chỉ đến khi có nạn lớn, người Việt Nam mới nhận ra mình còn tin tưởng và yêu quý những lãnh đạo liêm khiết dũng cảm và thông minh, để dẫn dắt toàn dân chống đại dịch toàn cầu. Rất nhiều người Việt xa xứ muốn về quê hương dịp này để lánh nạn.

Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ tối đa cho người dân trong phòng, chống, điều trị dịch COVID-19. “Khai báo trung thực sẽ được cách ly, chữa trị miễn phí. Chưa có nước nào chế độ tốt như Việt Nam. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, tuyệt đối không được giấu dịch”. Thay mặt Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, bà khẳng định lực lượng an ninh cửa khẩu đã làm hết trách nhiệm, đúng quy định, quy trình đối với trường hợp N.H.N - ca bệnh COVID-19 thứ 17 của Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, tất cả trường hợp người nhập cảnh Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Những tấm lòng nhân hậu

Nhiều tổ chức cá nhân đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng đợt đại dịch nghiêm trọng này. Có những người dừng hoạt động cả xưởng sản xuất gia công, mua vải và nguyên liệu, cả chủ và nhân công tập trung may khẩu trang phát miễn phí cho dân trong vùng. Có những nhà doanh nghiệp dành ra mấy chục tấn gạo để hỗ trợ chính phủ lo cho bữa cơm của những người đang tập trung cách ly. Có những nghệ sĩ đã đóng góp khá nhiều tiền để góp phần mua trang thiết bị y tế, lắp đặt thêm cho ngành Y những phòng áp lực âm. Trên hết là hình ảnh những lãnh đạo trung ương và địa phương ngày đêm lo lắng sắp xếp chỉ đạo. Hầu hết cán bộ y bác sĩ của ngành y, suốt mấy tháng qua đã không quản ngại nguy hiểm, đối mặt trực tiếp với cuộc chiến chống lại COVID-19 nguy hiểm và khôn lường. Biết bao chiến sĩ trong quân đội, công an, an ninh, hải quan… ngày đêm phục vụ hàng vạn người phải cách ly; và canh gác ở những khu vực biên cương, chốt trạm, cửa khẩu…

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, nhiều người sẽ đổ xô đi mua sắm. Như cảnh chen chúc mua hàng tích trữ ở Hà Nội sau khi nghe tin về bệnh nhân số 17. Như thế vô hình chung tập trung đông người, rủi ro lây nhiễm cao. Mà giá cả cũng sẽ bị đẩy lên. Gây ra sự bất bình ổn giá, gây ra sự hoảng sợ trong cộng đồng.

Nhưng, như có người viết trên mạng xã hội rất bình tĩnh:

“Tôi mở thùng gạo - đủ ăn nửa tháng. Tôi mở tủ lạnh, ăn khéo thì được 1 tuần. Tôi kiểm đồ khô, bánh đa măng khô mộc nhĩ nấm hương bột cacao hạt điều kẹo lạc... đầy 1 tủ. Thế là đủ. Một tuần nữa tôi sẽ đi chợ...

Vậy bạn nên giữ thái độ bình tĩnh và thông minh nhất.

Nếu bạn ở Hà Nội, nơi hiện nay đang có số người phải cách ly khá đông (mặc dù số người nhiễm chỉ là con số nhỏ), bạn hãy ứng xử với tình hình rủi ro này một cách thông minh lịch lãm nhất, như phong thái của người Tràng An từ cổ chí kim.

Hãy tin chính mình, sau khi đã thực hiện hết những điều có thể làm để tránh virus.

Hãy tin ở Đảng, Chính phủ và các bộ ngành. Tất cả đã làm hết sức.

Hãy tin ở đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, có tài và có tâm.

Hãy tin ở lực lượng quân đội và an ninh, đã làm đúng chức phận để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

 Việt Nam nhất định vượt qua đại dịch nguy hiểm này!

Võ Thị Xuân Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực