Đám cưới vui nhộn của người Giáy

Thứ tư, 20/10/2021 11:50
(ĐCSVN) – Lễ cưới hỏi của người Giáy, tỉnh Lào Cai luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với dân tộc Giáy, mà còn là phong tục thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng cao các tỉnh phía Bắc.

Đối với đồng bào Giáy, tỉnh Lào Cai, chuyện trăm năm của đôi lứa được quan tâm đặc biệt, phong tục cưới hỏi đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người Giáy, được cộng đồng thừa nhận, nó chứa đựng các giá trị về vật chất cũng như giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc Giáy.

Trong đời sống của mình, đồng bào Giáy rất coi trọng chuyện hôn nhân, nối dõi dòng tộc và ít quan tâm đến chuyện giàu, nghèo, chú ý đến phẩm chất đạo đức và nền nếp gia phong hai bên. Để tiến tới hôn nhân, người Giáy trang trọng thực hiện các nghi lễ truyền thống như: “dạm hỏi”, “dẫn cưới” và “lễ đón dâu”. Lễ ăn hỏi của người Giáy thường có 3 mức thách cưới: thách rượu thịt để mời khách trong lễ cưới; thách của hồi môn cho người con gái mang về nhà chồng; thách thóc gạo cho bố mẹ cô gái vì đã có công dưỡng dục.

Để đón dâu, nhà trai tổ chức đoàn đón (Pí lè) gồm 4 người. Dẫn đầu đoàn là ông mối, bà mối là những người có uy tín, có kinh nghiệm giao tiếp, dẫn chuyện đóng vai trò điều hành lễ cưới. Khi nhà trai cùng đoàn đón dâu lên đường, nhà gái trong không khí rộn rã, hồi hộp chờ đón đoàn nhà trai đến xin dâu. Khi nhà trai đến cổng nhà gái dùng dải lụa hồng, mấy cành gai cản lối trên đường vào nhà. Sau đó là chiếc bàn với đôi chén, hai chai rượu, hai chậu nước lã với hai chiếc chổi rơm chặn cửa để làm phép.

 Nghi thức cản lối vào trong đám cưới của đồng bào Giáy

Khi hai nhà gặp gỡ, nghi thức đầu tiên bà mối trao “lì xì” để xin phép vào nhà gái. Qua lễ giữ, nhà trai lại trải qua một tục lệ rất thú vị. Để qua được “cửa ải” này, nhà trai phải biết hát đối đáp với nhà gái, nội dung hát xin nhà gái bỏ tấm vải hồng giăng ngang đường để được vào nhà. Sau khi vào được nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đánh dấu lên má từng người của nhà trai. Tiếp đó nhà trai thực hiện các nghi thức truyền thống xin phép tổ tiên, bố mẹ nhà gái.

Hết phần lễ trong lễ đón dâu là đến bữa cỗ chung vui tại nhà gái, mỗi người có mặt sẽ chúc mừng cô dâu chú rể bằng những chén rượu ngô ấm nồng cùng những làn điệu đối đáp đượm nghĩa tình. Nhà gái bày một mâm cỗ dài mời ông, bà, bố mẹ, họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu. Hai họ dùng những câu hát truyền thống của dân tộc Giáy để nhắc nhở dặn dò đôi trai gái.

Nhà trai hát “Phải phải đấy, đúng đúng đấy, bên ngoại, giờ tốt bên nội sắp tới rồi, nào ta hãy sẵn sàng, nào ta hãy đứng dậy...”. Nhà gái hát đối lại: “Phải phải rồi, đúng đúng rồi, hai người mai mối, giờ tốt bên nội tới, cha mẹ xin một lời dặn con, từ nay trở về sau, đi bùn đừng tránh lội, chớ dối lời bạn thương, đừng cười người chồng mình, ban đêm nên thức khuya, buổi sáng cần dậy sớm...”.

Đồng bào Giáy quan niệm làm dâu là việc khó, vì thế các lời hát trong đám cưới là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người với cô dâu, giúp cô dâu khi về nhà chồng sẽ ứng xử tốt hơn với họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể. Sau khi đã xong thủ tục xin dâu, cô dâu đi từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên.

 Các cô gái người Giáy giằng dâu thể hiện tình cảm lưu luyến với cô dâu trong đám cưới người Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Thú vị nhất trong đám cưới người Giáy đó là nghi thức “giằng dâu”, khi cô dâu theo đoàn nhà trai về nhà chồng, các cô Giáy bên nhà gái sẽ giữ dâu ở lại để thể hiện tình cảm lưu luyến của nhà gái. Việc giằng dâu càng quyết liệt thì càng bày tỏ tình cảm lưu luyến, sâu nặng của người nhà với cô dâu trước khi về nhà chồng. Cuộc giằng dâu diễn ra quyết liệt vui nhộn, với sự tham gia của nhiều thành viên trong đoàn nhà trai, không ít chàng trai cô gái Giáy mệt nhoài sau khi bày tỏ tình cảm của mình với cô dâu qua nghi thức này.

Sau những nghi lễ, cô dâu cùng đoàn đón về nhà chồng, theo phong tục, khi về tới nhà chồng cô dâu mới bỏ khăn che mặt, nhận mặt cha mẹ chồng, thực hiện các nghi thức kính Lễ tổ tiên, sau đó sẽ cùng hát trao dâu, cảm ơn họ hàng, khách mời và nhắc nhở nhau sống thuận hòa với gia đình, người dân làng bản.

Phong tục cưới hỏi của dân tộc Giáy là hoạt động có ý nghĩa giáo dục về tình nghĩa vợ chồng, quan hệ gia đình, dòng tộc, giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, có ý nghĩa to lớn trong việc gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu./.

Bài, ảnh: N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực