Đầu tư bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhiếp ảnh trẻ kế cận

Thứ sáu, 19/11/2021 16:18
(ĐCSVN) – Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào 24/11 được các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, văn nghệ sĩ trong cả nước đặt nhiều kỳ vọng. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam về hoạt động của Hội trong thời gian qua cũng như những ý kiến tham gia góp ý cho Hội nghị.

Phóng viên (PV): Được biết, trong thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật, góp phần công sức của mình vào công cuộc phòng, chống dịch, xin bà nói rõ hơn về những hoạt động này?

Bà Trần Thị Thu Đông: Năm 2021, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Vượt qua những khó khăn đó, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chủ động đổi mới để tổ chức linh hoạt các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, tập hợp sự tham gia đông đảo của nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh. Đặc biệt là nhờ việc ứng dụng công nghệ 4.0, nên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn triển khai được nhiều hoạt động với hình thức phù hợp, thiết thực và đạt hiệu quả, khẳng định vai trò, vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam ở cả trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông. (Ảnh: Hội NSNA Việt Nam) 

Nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam (VN-21) có sự bảo trợ nghệ thuật của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP); Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và Hiệp hội hình ảnh không biên giới (ISF). Đây là cuộc thi được tổ chức định kỳ 02 năm một lần, năm nay, mặc dù được tổ chức trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng Ban Tổ chức đã nhận được số lượng ảnh tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, gồm 16.458 ảnh của 1.260  tác giả ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, thể hiện sức hút mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu của sân chơi nghệ thuật mà Việt Nam tạo ra.

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phòng chống dịch COVID-19, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức phát động triển lãm ảnh online về COVID-19 năm 2021 dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam với chủ đề: “Những khoảnh khắc từ trái tim”. Đây là cuộc triển lãm nhằm lan tỏa những hình ảnh đẹp, đậm tính nhân văn để nhân lên sức mạnh đoàn kết, san sẻ khó khăn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Việt Nam; đồng thời, tạo cơ hội cho những nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên, người yêu thích nhiếp ảnh góp phần khẳng định vị trí của văn học, nghệ thuật nói chung, đặc thù của loại hình nhiếp ảnh nói riêng trong đời sống hiện thực; là sự đóng góp của giới nhiếp ảnh đối với cuộc chiến cam go này.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về Biển đảo quê hương với chủ đề “Tổ quốc bên bờ sóng”; Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản việt Nam tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Nụ cười Than - Khoáng sản Việt Nam”.

Hàng năm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp cùng các tỉnh/thành đăng cai tổ chức luân phiên liên hoan ảnh nghệ thuật cho các khu vực trên cả nước. Năm 2021, có 4 khu vực tổ chức, là TP. Hồ Chí Minh; Nam Trung bộ - Tây Nguyên do tỉnh Đắk lắk đăng cai; Đồng bằng Sông Hồng do tỉnh Quảng Ninh đăng cai và Đồng bằng Sông Cửu Long do tỉnh Bạc Liêu đăng cai. Đây là những sân chơi nghiệp vụ yêu thích của giới nhiếp ảnh các khu vực nên đã thu hút trên 7.000 ảnh tham gia.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng phối hợp tổ chức, bảo trợ các hoạt động nhiếp ảnh của các Bộ, Ban, ngành, các tỉnh/thành, đơn vị, tổ chức và cá nhân với chất lượng ngày một tốt hơn, khuyến khích phong trào sáng tác trong cả nước. Tổng số cuộc thi/triển lãm ảnh được Hội bảo trợ từ đầu năm đến nay là 34 cuộc.

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ các văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay?

Bà Trần Thị Thu Đông: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, suốt 75 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà luôn luôn ghi nhớ sâu sắc và nỗ lực hết mình thực hiện bằng được những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc, nhân dân làm mục đích cao nhất, không chỉ thụ động phản ánh hiện thực cuộc sống mà phải chủ động dấn thân vào thực tiễn cách mạng để cổ vũ, khuyến khích và bảo vệ những cái tốt, chân, thiện, mỹ; để phê bình, đả phá những thói hư tật xấu, những tệ nạn, tội phạm và các xu hướng lối sống tiêu cực, tất cả nhằm hướng tới việc vun bồi nguyên khí quốc gia, khơi dậy khát vọng của dân tộc, củng cố niềm tin, bồi bổ tinh thần yêu nước, nhân ái, độc lập, tự chủ, tự cường của quốc dân.

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm và những kỳ vọng lớn lao. Từ đấy, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận là những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật mà Việt Nam đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao.

PV: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cảm xúc của bà về Hội nghị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa tới đây như thế nào?

Bà Trần Thị Thu Đông: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức đồng lòng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19, vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đây là một hội nghị rất quan trọng, vì là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba, cách Hội nghị lần thứ 2 đến 73 năm. Cho nên, tôi rất kỳ vọng qua Hội nghị đặc biệt lần này sẽ chỉ ra đúng những nguyên nhân chủ quan và khách quan của tình hình văn hoá, văn nghệ thời gian qua, từ đó đề xuất những kiến nghị, những giải pháp khả thi, thiết thực để đưa Nghị quyết của Đảng vừa được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống; để văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là một nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.”


Triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức chào mừng 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  

PV: Trong Hội nghị này, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ có những đề xuất, kiến nghị gì để đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trí văn hóa, văn nghệ, sức mạnh của con người Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Bà Trần Thị Thu Đông: Để đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trí văn hóa, văn nghệ, sức mạnh của con người Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi nghĩ cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Phát huy đúng mức vai trò của văn hóa, văn nghệ trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.

Hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong ngành văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu. Vậy nên, việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ lĩnh vực này cần có lộ trình sớm để có kế hoạch đầu tư xứng đáng, vì mọi thành công hay yếu kém của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đều do chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ quyết định. Bởi thế cho nên văn nghệ sĩ xưa nay thường được xem là “của hiếm”.

Văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có tất cả 9 chuyên ngành, gồm: Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian. Mỗi chuyên ngành có đặc thù riêng và tất cả các chuyên ngành đều xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, tại điều 64 Luật Thi đua khen thưởng hiện hành quy định: “Đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”. Như vậy là bất cập, vì vậy giới văn nghệ sĩ cả nước kiến nghị bổ sung việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho cả các nghệ sĩ sáng tác, có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chính trị; có cơ chế đầu tư và hỗ trợ hợp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các thế hệ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có đóng góp rất lớn trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và xây dựng đất nước của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nhiếp ảnh là một lực lượng hội nhập quốc tế sớm và mạnh mẽ nhất, đóng góp tích cực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.Tuy nhiên, hiện nay lực lượng nhiếp ảnh được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, chất lượng cao chưa nhiều, chưa xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới đặt ra. Vì thế, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư hơn nữa để có chính sách tạo và bồi dưỡng nhân tài ở cả trong và ngoài nước, phát triển đội ngũ nhiếp ảnh trẻ kế cận cho tương lai.

Lịch sử Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường gần 70 năm hình thành và phát triển, để lại một kho tàng tư liệu lịch sử bằng ảnh vô giá cho đất nước, có giá trị lâu dài, thuộc di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, ở Việt Nam đã có các Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đã có Bảo tàng Văn học Việt Nam; Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhưng lại chưa có Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong khi nhiếp ảnh đã du nhập vào Việt Nam trên 150 năm, và nhìn ra thế giới chúng ta thấy có rất nhiều nước có bảo tàng nhiếp ảnh như ở Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Anh, Pháp, Italia, Australia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Bỉ, Phần Lan… Để lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của lịch sử phát triển dân tộc, đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hà Thảo (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực