Để cho các Lễ hội Hoa đẹp trọn vẹn

Thứ năm, 07/01/2010 10:45

(ĐCSVN) - Đón chào năm mới 2010, đón chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, những ngày đầu năm ở Hà Nội và Đà Lạt đã tổ chức Lễ hội hoa. Tuy quy mô khác nhau nhưng ở thủ đô Hà Nội cũng như ở “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt (Lâm Đồng) đều để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Tuy vậy, nếu như Lễ hội Hoa lần thứ ba ở thành phố cao nguyên Lâm Đồng, du khách trong và ngoài nước đều khen thì Lễ hội Hoa lần thứ hai tại Hà Nội lại tốn không ít giấy mực của các cơ quan truyền thông vì những hành động không đẹp ngày kết thúc.

Phải công bằng mà nói, Lễ hội Hoa lần thứ hai của Hà Nội dù diễn ra ở không gian không rộng nhưng cách trưng bày, sắp đặt, bảo vệ đã nề nếp hơn hẳn lần thứ nhất. Từ đêm khai mạc đến những ngày tiếp theo không còn cảnh dẫm lên thảm cỏ, bẻ hoa, nhất là hoa anh đào được đưa từ nước bạn Nhật Bản sang. Lần này cũng có hoa Tuy líp, quà tặng từ Bộ Nông nghiệp nước bạn Hà Lan nhưng không có cảnh “sờ tay nhổ thử”. Nhưng đó là những ngày diễn ra lễ hội. Điều buồn chính là buổi sáng sau đêm bế mạc. Khi các cơ quan, đơn vị có hoa trưng bày hoặc chịu trách nhiệm thu dọn làm nhiệm vụ chuyển hoa về thì một cảnh không đẹp đã diễn ra. Người ta xông vào xin, cướp, giằng xé nhau để nhổ hoa, bưng chậu. Thậm chí họ giằng xé để cướp bằng được trước lực lượng bảo vệ và công an giữ trật tự. Nhìn những hình ảnh đăng trên báo mấy ngày qua phản ánh buổi “hạ màn” của Lễ hội Hoa Hà Nội. Ai cũng buồn vì cách “yêu hoa” của một số người ở Hà Nội.

 
Lực lượng an ninh ngăn cản người dân cướp hoa.  Ảnh: tienphong.vn 


Nếu như ở hội hoa Đà Lạt kết thúc đêm hôm trước nhưng sáng hôm sau các không gian hoa rộng lớn với diện tích hàng chục ngàn mét vuông trên đường phố và quanh hồ Xuân Hương vẫn tươi thắm, du khách vẫn thanh thản ngắm hoa, chụp hình thì sau đêm bế mạc tại hội hoa Hà Nội lại diễn ra một cảnh không đẹp: người ôm chậu Tu líp, người giằng bó hoa vừa đi vừa vứt những cành do giằng cướp bị dập. Lực lượng bảo vệ và các chiến sĩ cảnh sát làm việc khá vất vả với những người “yêu hoa” đủ mọi thành phần “già, trẻ, gái, trai”. Đó là chưa nói đến cảnh tắc đường, chen lấn, khổ ải khi gửi được chiếc xe để vào dự hội. Đó là chưa kể giá gửi xe tăng đến 3-4 lần so với giá quy định. Nhưng gửi được xe rồi thì cũng chỉ để đứng “ngắm từ xa” bởi không thể nào vào được do “tắc đường”.

Ai cũng biết, không gian diễn ra lễ hội giữa Hà Nội và Đà Lạt rộng hẹp khác nhau nên cũng gây khó khăn cho Ban tổ chức. Nhưng một lễ hội hoa lớn và có ý nghĩa như thế này, thời gian chuẩn bị không ngắn, kinh phí bỏ ra không ít thì sự thành công phụ thuộc ở năng lực tổ chức. Không ai đồng tình khi được hỏi vì sao tổ chức công phu như vậy mà để ra cảnh “hạ màn” không đẹp, vị đại diện của Ban tổ chức lại nói tỉnh bơ: “Khi lễ hội kết thúc thì việc quản lý hoa không còn là của Ban tổ chức nữa, mà là quyền của các chủ hoa… Lúc ấy, việc các chủ hoa cho ai hay làm gì là quyền của người ta”. Cách nói này làm người ta nhớ lại một vị đại biểu dân cử lo sức khỏe của dân khi bị chất vấn về ngộ độc thực phẩm đã phân công trách nhiệm “rất sạch sẽ” rất rạch ròi: chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm khi thực phẩm đã vào bữa ăn còn khâu nuôi trồng, vận chuyển, chế biến thực phẩm thuộc ngành khác.

Tưởng không cần phải bàn nhiều. Chỉ qua hai lễ hội, hai cách quản lý, hai thái độ ứng xử cũng đã cho chúng ta những điều cần rút kinh nghiệm. Nếu có một cách tổ chức tốt thì dù người có ý đồ xấu, có thái độ thiếu văn hóa cũng không có đất sống. Lễ hội Hoa là một hoạt động văn hóa rất đẹp. Mong rằng các lễ hội tiếp theo sẽ đẹp trọn vẹn, xứng với tầm vóc của một Thủ đô văn minh, thanh lịch./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực