Để di sản văn hóa trở thành tài sản

Thứ bảy, 20/11/2021 08:57
(ĐCSVN) - Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số và sau lịch sử hàng nghìn năm, mỗi dân tộc đã sáng tạo, chọn lọc, tích tụ nên kinh nghiệm dệt truyền thống của dân tộc mình với những nét riêng. Sự đa dạng đó khiến sản phẩm dệt thủ công truyền thống trở thành “đặc sản” trong di sản văn hóa của người dân tộc thiểu số. Vấn đề đang đặt ra và cần được quan tâm là làm thế nào để biến di sản văn hóa trở thành tài sản, tạo ra sinh kế và thu nhập bền vững cho người dân.
Theo ông Mohamad, dệt thổ cẩm là biểu tượng đầy tự hào, là nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Chăm Islam (Ảnh: Phương Liên)

Những người bảo tồn nghề dệt truyền thống

Ông Mohamad - chủ cơ sở dệt thổ cẩm Châu Giang, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là người dân tộc Chăm Islam. Ông chia sẻ, để làm ra những tấm thổ cẩm đẹp cần trải qua nhiều công đoạn như: ngâm sợi qua đêm, tẩy trắng, tạo hoa văn, nhuộm màu, xả vải, phơi khô, suốt ép, mắc sợi dọc, quấn trục và cuối cùng là dệt.

Các công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, cẩn trọng của người thợ. Đặc biệt, khâu nhuộm màu sợi, màu vải bằng chất liệu thiên nhiên từ mủ cây, vỏ cây, trái cây luôn phải có bí quyết riêng, lưu truyền trong gia đình qua nhiều đời.

Sản phẩm thổ cẩm do cơ sở dệt của ông Mohamad hiện vẫn giữ được những hoa văn truyền thống tinh xảo, đặc trưng của người Chăm Islam. Đó là hoa văn hình con thoi, lồng đèn, ô vuông, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá… Những hoa văn đó chứa đựng quan niệm về thế giới quan, về thiên nhiên, những triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo của người Chăm…

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thăm gian trưng bày sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha do chị Lý Thị Ninh làm tổ trưởng (Ảnh: NVCC) 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất gian khó Chế Cu Nha - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nơi có 99% dân số là người dân tộc Mông, chị Lý Thị Ninh sớm gắn bó với tiếng thoi đưa lách cách nhịp nhàng trên khung dệt của bà, của mẹ. Bởi vậy, chị luôn đau đáu với ý nghĩ phải làm sao xây dựng, duy trì và bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

Năm 2009, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha được thành lập, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải chỉ đạo. Lúc mới thành lập, Tổ có 27 thành viên, đa số là phụ nữ nghèo, không biết tiếng phổ thông.

Là tổ trưởng, chị Ninh trực tiếp nhận các đơn hàng, sau đó phân chia nguyên liệu cho thành viên mang về nhà tự làm. Phụ nữ dân tộc Mông nói chung, phụ nữ Mông ở Chế Cu Nha nói riêng có truyền thống cần cù, chăm chỉ lao động. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông tận dụng mọi lúc, mọi nơi để làm việc. Trên đường xuống chợ, lúc cõng củi khô, cỏ tươi về nhà cho trâu, bò ăn… họ đều vừa đi vừa cuộn lanh. Ngay cả lúc nghỉ chân trên đường từ nương về nhà, họ cũng tranh thủ tước sợi… Trừ lúc ngủ, chứ đôi bàn tay người phụ nữ Mông hiếm khi ngừng nghỉ, bởi họ biết rõ, để làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh theo lối thủ công truyền thống, ít nhất cũng phải mất 5 tháng.

Để hiểu rõ hơn về thị trường, chị Ninh chủ động đề nghị Hội Phụ nữ cấp trên giới thiệu cho đi học tập kinh nghiệm mô hình ở các địa phương khác, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội Phụ nữ tổ chức.

Đi, nhìn và nghe, chị Ninh nhận ra rằng, việc lạm dụng cơ giới hóa dệt thổ cẩm hay ít quan tâm đến sản phẩm tín ngưỡng truyền thống chính là nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nên, chị quyết định cùng chị em trong tổ hợp tác chủ động sưu tầm, nghiên cứu, phục chế những hoa văn cổ thất truyền. Trong quá trình làm, các chị vừa quan tâm giới thiệu lịch sử hình thành và quy trình sản xuất cầu kỳ, thủ công, vừa không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua những hoa văn, họa tiết trang trí đa dạng để tạo nét độc đáo, riêng có trên sản phẩm.

Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mông chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình thì nay, qua bàn tay tài hoa của chị em tổ sản xuất, váy, áo, khăn quàng, túi đựng điện thoại đã trở thành những vật phẩm lưu niệm được du khách trong và ngoài nước hết sức ưa chuộng khi đến với “thiên đường” mùa lúa chín Mù Cang Chải.

Năm 2020, chị Lý Thị Ninh mạnh dạn đưa sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết và được tôn vinh trao giải “Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững” với giải thưởng trên 300 triệu đồng.

Các thành viên Tổ hợp tác đã từng bước vượt ra khỏi tư tưởng tự ti, an phận của người dân tộc thiểu số, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc -  chị Lý Thị Ninh chia sẻ.

“Chị Lý Thị Ninh là một nhân tố tiêu biểu, một trong số những người phụ nữ đang truyền cảm hứng cho phụ nữ dân tộc thiểu số khác biến di sản văn hóa trở thành tài sản", bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phấn khởi nhận xét.

Làm gì để biến di sản văn hóa trở thành tài sản

Di sản văn hóa là toàn bộ các sản phẩm do các thành viên trong cộng đồng dân tộc sáng tạo, thể hiện dưới dạng vật thể và phi vật thể, mang tính biểu tượng, được lan tỏa một cách vô thức và trao truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cùng với ăn, ở, trang phục là một trong ba nhu cầu vật chất tối thiểu của con người. Trang phục truyền thống là một phần trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc; là yếu tố quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, bởi trên trang phục thể hiện bản sắc văn hóa, cá tính, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, thậm chí một số biểu tượng hoa văn, họa tiết, kiểu dáng của trang phục còn là biểu hiện về nguồn gốc tộc người.

Việt Nam là quốc gia có đông dân tộc thiểu số và trong lịch sử hàng nghìn năm, mỗi dân tộc qua quá trình lao động đã sáng tạo, chọn lọc và tích tụ nên kinh nghiệm dệt truyền thống của dân tộc mình, với những nét riêng có không dân tộc nào giống dân tộc nào. Sự đa dạng đó khiến sản phẩm dệt thủ công truyền thống đang đứng trước cơ hội trở thành “đặc sản” trong di sản văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số. Vấn đề quan trọng là cần phát huy nó trở thành tài sản, tức là trở thành sinh kế bền vững, mang lại thu nhập kinh tế cho người dân.

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, người dân tộc thiểu số có nhiều năng lực tiềm tàng. Nếu được quan tâm, họ chính là lực lượng phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khi bản thân vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền cho các thế hệ sau.

Thực tế cho thấy, để biến di sản văn hóa thành tài sản, bản thân những người dân tộc thiểu số đã chọn cách hòa nhập, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới và tích hợp chúng vào văn hóa bản địa của mình. Từ trọng tâm là sản xuất trang phục trong nội bộ dân tộc, trên nền quy trình dệt truyền thống, họ đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như: chăn, gối, đệm, túi đựng điện thoại, váy, áo, khăn… phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày và đáp ứng nhu cầu đồ lưu niệm của khách du lịch. Không những thế, họ đã biết tận dụng các nền tảng công nghệ 4.0 để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng tôi sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… để tìm đến khách hàng và bán hàng. Nhờ đó mà tổ hợp tác vẫn sản xuất bình thường ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, duy trì việc làm cho 10 chị em người dân tộc Mạ, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng” - chị H’Bình - Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nói.

Tuy vậy, bên cạnh sự tự thân vận động của người dân, cần có vai trò kiến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp chú trọng: “gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số”.

Triển khai Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Xoay quanh việc triển khai nội dung kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ bám sát nguyên tắc “trao cần câu chứ không phải trao xâu cá”, nghĩa là giúp đồng bào có những kiến thức, kỹ năng để họ chủ động xây dựng, phát triển và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Từ giá trị văn hóa đó gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra cơ hội để đồng bào làm giàu ngay trên vùng đất quê hương.

Hiện nay, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ đóng mới, cải tạo, nâng cấp khung dệt; mua nguyên liệu, phụ kiện trang phục; truyền dạy kỹ năng dệt, may thổ cẩm… các tỉnh, thành phố đang tích cực giúp người dân khôi phục nghề dệt truyền thống, nhất là với các dân tộc đang đứng trước nguy cơ cao mai một nghề này như: dân tộc Kháng, Khơ Mú tỉnh Lai Châu, Điện Biên; dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An; dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình; dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có kế hoạch tổ chức Ngày hội “Sắc màu các dân tộc”, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày Di sản Việt Nam tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các địa phương…

Trong bối cảnh bùng nổ nhiều phương thức giao tiếp xã hội trên các nền tảng công nghệ và phụ nữ dân tộc thiểu số là chủ thể chính trong bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của mỗi dân tộc, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, Hội sẽ chú trọng khuyến khích các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các cấp Hội sẽ triển khai các lớp tập huấn giúp chị em ở các làng nghề bên cạnh cách thức bán hàng truyền thống có thêm kỹ năng bán hàng online, bán hàng điện tử, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, để di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực