Điện Biên: Đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin

Thứ ba, 05/01/2010 20:34

  
 Cọn nước - nét văn hóa của cư dân đại diện cho nền
 "văn minh thung lũng".
 
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua sự nghiệp văn hóa - thông tin ở các tỉnh miền núi và vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Điện Biên đã có bước phát triển trên một số lĩnh vực, bản sắc văn hóa các dân tộc được coi trọng, mức hưởng thụ về văn hóa ở một số nơi được nâng lên.

Thông tin, tuyên truyền phát triển với nhiều hình thức, nội dung thiết thực. Các đơn vị với chức năng làm văn hóa - nghệ thuật của Nhà nước đã hướng sự phục vụ về miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều hơn; công tác sưu tầm, nghiên cứu, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được chú trọng. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương tiện văn hóa - thông tin có khá hơn, ở nhiều nơi đã xuất hiện một số mô hình hoạt động văn hóa - thông tin thích hợp, có hiệu quả, có khả năng nhân thành diện rộng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số làm văn hóa - thông tin ngày càng được quan tâm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, hoạt động văn hoá - nghệ thuật Điện Biên cũng trên đà chấn hưng và từng bước phát triển. Các cấp, các ngành mà trước hết là ngành văn hóa - thông tin với vai trò chủ công, đã có các chủ trương, biện pháp gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa - thông tin miền núi và vùng dân tộc thiểu số đặc thù của các địa phương trong tỉnh; đặt song song với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cụ thể là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39/1998/CT-TTg ngày 03/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tư tưởng và mục tiêu chỉ đạo là: “Coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số”. Trước mắt, cần tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - thông tin ở vùng cao, biên giới, vùng khó khăn, nhất là các xã nằm trong khu vực 3.

Phải thừa nhận cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tạo nên phong trào quần chúng ở khắp các dân tộc, các ngành và các địa bàn; góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Bằng sự đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và cả nguồn vốn đóng góp của nhân dân, lần lượt các nhà văn hoá cộng đồng được xây dựng và phát huy hiệu quả; hàng chục nghìn thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học và hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Tại các thôn, bản, cơ quan, đơn vị, trường học..., tiếng hát râm ran cùng các điệu múa mềm mại của các hạt nhân văn nghệ quần chúng đã và đang tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trước hết cho chính cư dân của các thôn, bản, cơ quan, đơn vị, trường học đó. Mấy năm qua, bằng nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền và cơ quan chức năng các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Ảng, chúng ta lần lượt tổ chức thành công một số ngày hội thể thao - văn hoá các dân tộc tại các địa phương này. Mới đây, đầu tháng 12/2009, Đại hội TDTT lần thứ nhất huyện Mường Ảng diễn ra trong niềm vui chờ đợi bao năm của đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú... Trước đó không lâu, đã diễn ra ngày hội văn hóa - thể thao cụm liên xã dân tộc Mông lần thứ 2 của huyện Điện Biên. Hàng nghìn các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống Mông với đủ sắc màu rực rỡ, từ 5 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Na Ư, Mường Nhà nườm nượp đổ về đỉnh Hua Rốm xã Nà Tấu - nơi được chọn là địa điểm tổ chức.

Trong ký ức người dân TP. Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, vẫn còn đó các hoạt động sôi nổi của “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Điện Biên 2009”, với trọng tâm là Ngày hội VH-TT-DL tỉnh Điện Biên lần thứ nhất, khai mạc vào tối 14/3/2009. Đó là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với các nội dung biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, triển lãm ảnh du lịch, trình diễn lễ hội truyền thống đặc sắc của 21 dân tộc anh em trên địa bàn Điện Biên; như các lễ hội: Klang khùa (lễ tạ ơn) của dân tộc Mông, lễ xên mường (cầu an cho bản mường) của người Thái trắng, Lễ hội xên pang ả (tưởng nhớ ông bà đã khuất, cầu cho cháu con khoẻ mạnh) và lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của đồng bào dân tộc Khơ Mú... Đặc biệt mới sáng 30/12/2009, UBND tỉnh tổ chức lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật Điện Biên Phủ lần thứ nhất, cho 12 tác giả có nhiều công lao xây dựng phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà, kể từ năm 1981 đến nay. Ngoài ra, tỉnh còn tặng Bằng chứng nhận cho các tác giả thuộc 7 chuyên ngành với 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 8 giải Ba và 12 giải Tư.

Với chức năng của mình, ngành văn hoá - thông tin đã và đang xúc tiến các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phát huy những yếu tố tích cực trong lễ hội các dân tộc thiểu số. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các điệu múa tiêu biểu, như: Múa khèn của dân tộc Mông; múa chuông của dân tộc Dao; múa xoè, múa sạp, múa khăn... của dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú... Nhân đây, không thể không biểu dương vai trò quan trọng trong dàn dựng và biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng; với các chương trình được luyện tập bài bản và công phu, trên cơ sở vốn văn hoá dân gian bản địa của nhiều tộc người trong cộng đồng các dân tộc anh em tỉnh nhà.

Dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, song, thời điểm này mà nói công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số - đặc biệt nơi địa bàn vùng cao, biên giới, vùng sâu - còn không ít vấn đề bất cập và hạn chế, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn thấp. Nội dung và hình thức của những sản phẩm văn hóa, thông tin đưa đến các vùng này còn nghèo nàn về hình thức, chậm về thời điểm và nhiều khi không phù hợp. Ai không tin xin hãy tự mình làm cuộc khảo sát xem tại các nhà văn hoá nơi vùng sâu, biên giới có bao nhiêu bộ loa đài được sử dụng và sử dụng bao nhiêu lần trong một năm? Vi tính nối mạng trường học kể cũng tốt thôi, song hiệu quả khai thác thế nào, có bao nhiêu trường và mỗi trường có tỉ lệ bao nhiêu học sinh biết sử dụng loại công nghệ tuyệt vời này?...

Tối ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã long trọng tổ chức Lễ công bố “Ngày Văn hóa Các dân tộc Việt Nam”. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Truyền thống văn hóa dân tộc chính là ngọn nguồn sức mạnh của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc”. Để làm nên sức mạnh ấy, 21 dân tộc Điện Biên nguyện gắn bó keo sơn như anh em một nhà, thể hiện niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lòng tự tôn, tự hào bước sang năm mới với những truyền thống văn hóa nhân bản và quyết tâm xây dựng Điện Biên giàu đẹp, ổn định, vững mạnh và văn minh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực