Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc tại tỉnh Bến Tre

Thứ bảy, 03/12/2022 16:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Ngay sau khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình số 14-CTr/TU, xác định 23 nhiệm vụ trọng tâm, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, phụ trách từng lĩnh vực, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo sự đồng thuận để vượt qua khó khăn, thách thức, nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên thực hiện đạt mục tiêu đại hội đề ra.
Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: PV) 

Đó là thông tin được Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết tại buổi làm việc giữa Tỉnh uỷ Bến Tre và đoàn công tác của Hội đồng lý luận Trung ương do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn diễn ra hôm nay (3/12).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, Bến Tre đã thể hiện đầy đủ những thuận lợi và khó khăn của đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Địa hình thấp nên chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốn kém. Bến Tre có bề dày về truyền thống cách mạng, số người hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến khá lớn; số lượng mẹ Việt Nam anh hùng chỉ sau Quảng Nam…

Qua 1 năm triển khai thực hiện Chương trình số 14-CTr/TU của Tỉnh uỷ đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị khá toàn diện, đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét. Tỉnh đã ban hành 18 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực, có sản phẩm cụ thể đem lại niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân cũng như giúp tỉnh có thêm nhiều kinh nghiệm.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định 11 công trình, dự án trọng điểm, gồm: Xây dựng hoàn thành cầu Rạch Miễu 2. Hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cấp nước chính trên địa bàn tỉnh. Triển khai ít nhất 500ha các dự án đô thị TP. Bến Tre và các huyện. Phát triển 4 ngàn ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Triển khai các dự án điện gió, có ít nhất 1500MW đưa vào khai thác; chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án điện khí. Xây dựng tuyến động lực ven biển (giai đoạn 1). Phát triển mới 5 ngàn doanh nghiệp; xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu. Thành lập Đại học Bến Tre thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách. Xây dựng Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách.

Theo Bí Thư Tỉnh uỷ Lê Đức Thọ, hiện tại, tỉnh đang ưu tiên triển khai thực hiện các dự án động lực sau: Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Dự án Quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre; Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre. Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre. Dự án lấn biển trên địa bàn các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Dự án sản xuất Hydro xanh, Amoniac xanh. Đầu tư xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ (tại Bến Tre) là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đầu tư xây dựng các khu đô thị. Đầu tư xây dựng cầu thay thế bến phà Đình Khao kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Vĩnh Long. Hoàn thành lấp đầy Khu công nghiệp Phú Thuận và mỗi huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp.

Các đột phá phát triển của tỉnh: Phát triển về hướng Đông, phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế biển; xây dựng khu vực phía Đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ. Phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hóa để phát triển tỉnh Bến Tre.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chia sẻ với đoàn, việc tỉnh linh hoạt trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội trước diễn biến của dich bệnh COVID-19. Nhờ vậy, năm 2021 kinh tế của tỉnh tăng trưởng dương 1,53%. Năm 2022, một số nước trên thế giới bất ổn chính trị, tại tỉnh vẫn chịu ảnh hưởng hậu hạn mặn, giá dừa giảm nhưng trong lãnh đạo, điều hành tỉnh đã bám sát định hướng của Trung ương cộng với việc gắn thực tế địa phương, kinh tế tăng trưởng 7,33%. Hiện có 16/22 chỉ tiêu triển khai thực hiện vượt và đạt, 5 chỉ tiêu sắp xỉ đạt, 1 chỉ tiêu đạt trên 70%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, từ thực tiễn đúc kết: Người dân Bến Tre sở hữu diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún. Tỉnh đã tuyên truyền, vận động hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo sự liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Cho nên, trong chính sách đất đai cần quan tâm đến yếu tố liên kết không dừng lại nội bộ người dân cùng xã, huyện mà vượt xa hơn là hình thành vùng sản xuất tập trung vượt phạm vi vùng, nhiều tỉnh. Có như thế mới tạo ra được sản phẩm số lượng lớn, chất lượng đồng đều, áp dụng cùng quy trình sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn… đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Tỉnh ủy Bến Tre đã có chủ trương mở rộng không gian phát triển về hướng Đông, lấn biển, phát triển đô thị, dịch vụ, cảng biển, năng lượng sạch, điện gió, hydro xanh. Chính phủ cần có chủ trương lấn biển cho các tỉnh hướng Đông sẽ mở ra hành lang rộng lớn ven biển.

Tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phản ánh Nghị quyết 18, 19 là đúng đắn nhưng chưa có một hành lang pháp lý trong thực hiện, chưa thống nhất từ trên xuống. Mô hình kiêm nhiệm ở một số cơ quan còn “vướng”, rõ nét nhất là thiếu người thực hiện công việc chuyên môn. Một số mô hình hợp nhất nhưng chưa có văn bản chính quy, chưa được hướng dẫn.…

 Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, qua buổi làm việc với tỉnh cũng như thực tế tại huyện Chợ lách giúp cho đoàn có thêm thông tin phong phú để phục vụ cho nghiên cứu, tổng kết thực tiễn làm tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Bến Tre là vùng đất có truyền thống cách mạng. Bến Tre thật sự là vùng đất địa linh nhân kiệt. Với vị trí, vị thế đặc thù nên Bến Tre gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, khi giao thông được đầu tư hoàn thiện tạo đòn bẩy để tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại cũng như dự báo, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng năng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo có nhiều diện tích đất bị nước biển nhấn chìm. Trung ương cũng đã có nhiều phương án, kịch bản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong định hướng phát triển, lãnh đạo tỉnh cần cân nhắc đến người dân, thế hệ mai sau và môi trường, hệ sinh thái…

 Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đánh giá cao chuyến làm việc của đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương. Đoàn đã nắm thông tin từ tỉnh để làm công tác tham mưu đánh giá thực tiễn. Đồng thời, đã gợi mở cho tỉnh nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị… trước mắt và lâu dài./.

 

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực