Đón Tết ở Trường Sa

Thứ bảy, 28/01/2017 15:48
(ĐCSVN) - Tết ở Trường Sa giữa mênh mông là biển, dẫu cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng hương vị Tết cổ truyền vẫn tràn ngập nơi đây, có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành…, có tiếng trẻ thơ rộn ràng những ngày đầu xuân mới, và những nghi lễ văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân trên đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Gói bánh chưng đón Tết trên đảo Trường Sa (Ảnh: K.V)

 

Khác với đất liền, ở Trường Sa, bộ đội và nhân dân thường tổ chức Tết sớm, những ngày cuối năm, không khí đón Tết Nguyên đán lại càng rộn ràng hơn. Một mùa xuân mới lại về trên đảo Trường Sa, đảo này được mệnh danh là trái tim của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, vì nơi đây là thị trấn của huyện.

Biển và trời như rộng mở hơn để đón xuân mới về, vẫn còn những trận mưa rào chợt đến, chợt đi trên đảo, những trận mưa mát lành cuối mùa như tăng thêm màu xanh cho đảo. Bàng vuông, phong ba, tra, đại… nhìn rợp một màu xanh mơn mởn, hoa của những loại cây này đua nhau nở, như mừng đón xuân về.

Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trường Sa, mặc dù bận rộn rất nhiều việc, nhất là công việc của những ngày cuối năm, nhưng vẫn nhiệt tình dẫn đoàn nhà báo đi thăm đảo cả ngày trời mà không thấy mệt. Chuyện của Trung tá Tuyến kể về đón Tết trên đảo nghe mãi không thấy chán, từ những ngày còn khó khăn gian khổ, cho đến giờ, được sự quan tâm từ đất liền, bộ đội và người dân trên đảo đã được đón những cái Tết đầy đủ, cả tinh thần và vật chất, càng thôi thúc niềm tự hào của những người lính canh giữ biển trời Tổ quốc với ý chí, quyết tâm cao nhất.

Theo kế hoạch, các đơn vị của Đảo sẽ tổ chức đón Tết Nguyên đán với tinh thần vui tươi, tiết kiệm và không quên nhiệm vụ của mình. Cả đảo sẽ thực hiện tổng vệ sinh, các đơn vị dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên vườn hoa, cây xanh; các hộ dân cũng tự làm những chậu mai vàng rực rỡ đặt trước hiên nhà càng làm tăng thêm không khí đón Tết.

Hoạt động trên đảo trong những ngày đón xuân rất phong phú, đa dạng, tình quân dân thêm gắn bó, thắt chặt hơn bao giờ hết, chị Lê Thị Trúc Hà, người dân huyện đảo Trường Sa tâm sự, đã ba cái Tết em được ở đây, cái Tết đầu cũng có cảm giác nhớ đất liền, nhưng giờ thì cảm thấy gắn bó lắm, không muốn rời xa, bởi tình cảm những người trên đảo thiêng liêng và trân trọng lắm. Chị Hà chia sẻ: “Tết trên đảo, các anh Hải quân có nhiều hoạt động vui lắm, thích nhất là những cuộc giao lưu giữa quân và dân, đó là hội thi gói bánh chưng, gói bằng lá dong thì không khó, nhưng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thì thật không đơn giản, tụi em là nữ mà không khéo tay bằng mấy anh bộ đội đâu, các anh gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, nhanh và vuông vức, đẹp như gói khuôn”.

Vui nữa là những cuộc thi nấu ăn giữa những người đến từ các vùng miền khác nhau, ai có món gì đặc trưng của quê hương tha hồ thể hiện, mọi người nấu ăn khéo và ngon đến nỗi ban giám khảo rất khó khăn để lựa chọn cho giải nhất, các món ăn được tập hợp lại thành một mâm cỗ đa vùng miền thực sự hấp dẫn trong những ngày Tết.

Chiến sỹ Lâm Văn Đạo, quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa tâm sự: “Đây là cái Tết đầu tiên trên đảo Trường Sa, không có cảm giác nhớ nhà, bởi em đã ra đây được nửa năm rồi. Những ngày này, đơn vị của em đang tất bật với các công việc chuẩn bị cho đón Tết cổ truyền của dân tộc, bọn em được giao làm báo tường chào xuân mới, cùng với các đơn vị khác trên đảo, anh em tụi em đang nhanh chóng hoàn thiện tờ báo sao cho đẹp và ý nghĩa nhất để đoạt giải cao trong cuộc thi”.

Đi Lễ chùa đầu năm mới ở đảo Trường Sa (Ảnh: K.V)

Ở Trường Sa, có một nghi lễ thiêng liêng và thực sự xúc động, đó là vào sáng mùng 1 Tết, toàn đảo sẽ ra cột mốc chủ quyền, cạnh đó là cũng là cột cờ Tổ quốc để làm lễ chào cờ. Những ai lần đầu tiên ở đảo được thực hiện nghi thức này đều xúc động, nhớ mãi. Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết, mỗi lần được đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, nghe hát quốc ca mà lòng thấy rung rưng, một cảm xúc trào dâng mãnh liệt, nhất là trong dịp đón xuân mới trên biển đảo thân thương, cảm xúc lại càng khó diễn tả hơn bao giờ.

Trung tá Đỗ Thế Tuyến cho biết thêm, cùng với lo cho bộ đội và nhân dân trên đảo ăn Tết được đầy đủ về vật chất, món ăn tinh thần cũng được tổ chức chu đáo với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giao lưu văn nghệ giữa quân và dân được diễn ra sôi nổi trong những ngày đầu năm mới. Tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông giữa các đơn vị trên đảo, các hoạt động này đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, như một nét đẹp văn hóa giữa muôn trùng biển khơi.

Ngày đầu năm ở Trường Sa, sau nghi lễ chào cờ Tổ quốc, bộ đội và người dân tới thắp hương tại các địa điểm tâm linh, đó là Đài tưởng niệm các liệt sỹ, Nghĩa trang các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, Nhà tưởng niệm Bác…, tiếp đó, mọi người đến Chùa Trường Sa Lớn thắp hương và chúc mừng năm mới sư trụ trì của Chùa. Hòa cùng đoàn người đến Chùa Trường Sa Lớn, chị Lê Thị Trúc Hà, người dân trên Đảo tâm sự: “Tết ngoài đảo càng ấm áp hơn khi được thực hiện những nghi lễ tâm linh, càng biết ơn công lao to lớn khi máu xương ông cha mình đã đổ xuống để giành giữ cho cháu con những tấc đất, tấc biển thiêng liêng quí giá”./. 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực