Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19

Thứ sáu, 15/10/2021 16:47
(ĐCSVN) – Ngày 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm theo chủ đề: “Du lịch thích ứng an toàn với COVID-19”.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và y tế; đại diện các địa phương và doanh nghiệp.

Tọa đàm diễn ra theo hai phiên thảo luận chính, xoay quanh 5 nhóm nội dung: Khó khăn của ngành du lịch qua 4 lần bùng dịch COVID-19; Cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; Vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; Các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; Đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.

Xây dựng sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của khách sau đại dịch

Tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, gần hai năm qua, du lịch và lữ hành được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Có thể nói, chưa khi nào ngành Du lịch và lữ hành chịu trải qua khó khăn như lúc này, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài đến nay đã khiến du lịch và lữ hành tê liệt.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: NT) 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.

Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, trợ cấp khó khăn cho họ khi phải chịu tác động du lịch được ban hành và thụ hưởng; Đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, phải tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng. “Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần 1 tỉnh phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam” - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Các địa phương sẵn sàng đón khách trở lại

Tại tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách đến địa phương, Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1 đến hết ngày 15/10 cho phép thí điểm các khu du lịch, các cơ sở lưu trú được phép đón khách du lịch nội tỉnh khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.  Giai đoạn 2, từ ngày 16/10 đến hết ngày 15/11/2021 mở rộng việc tổ chức đón khách du lịch trong nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, khác du lịch có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19. Giai đoạn 3, từ ngày 16/11 đến hết ngày 31/12/2021, dự kiến các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện tại, Ngành du lịch Khánh Hòa phối hợp các ngành địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin và bằng các biện pháp phù hợp, thiết thực, tăng cường truyền thống chủ đề “Việt Nam an toàn”, “Nha Trang biển gọi”. Trong đó, khẳng định Khánh Hòa là điểm đến an toàn và đồng thời thông tin các sản phẩm dịch vụ chất lượng, các sản phẩm mới, độc đáo với các gói giá cả cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến Khánh Hòa với gói chương trình “Du lịch Xanh”. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch thông qua việc tổ chức vận hành hệ thống truyền thông số. Kêu gọi hưởng ứng mạnh mẽ từ Hiệp hội Du lịch, cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà quản lý của các thương hiệu quản lý du lịch thế giới đang làm việc trên địa bàn tỉnh, để thúc đẩy các gói truyền thông số trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube… với các thông điệp, chiến dịch quảng bá phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể.

Tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch. Mục tiêu, yêu cầu đặt ra là khôi phục tăng trưởng nhanh chóng lượng khách nội địa với việc tổ chức thường xuyên các gói kích cầu nội địa, bảo đảm chất lượng, tính đa dạng và qua nhiều kênh khác nhau; Thu hút sự tham gia chủ động, tích cực của các bên liên quan. Phạm vi triển khai chương trình trên cả nước. Trong đó trọng tâm một số địa bàn truyền thống gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, các tỉnh có địa bàn giáp ranh Khánh Hòa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết, tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch mở cửa du lịch theo 4 giải đoạn: Giai đoạn 1 (dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021) tập trung đón nguồn khách du lịch trong tỉnh; Giai đoạn 2 (dự kiến vào tháng 12/2021) sẽ thí điểm đón khách du lịch từ một số tỉnh, thành phố khác đã kiểm soát được dịch COVID-19; Giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 1/2022), mở rộng đón khách từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19; Giai đoạn 4 (dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2022) sau khi Phú Quốc đón thí điểm khách quốc tế thành công, Quảng Nam sẽ đề xuất cho phép đón khách quốc tế. 

Để thực hiện việc mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, tập trung phát triển sản phẩm theo hướng du lịch xanh, bền vững.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất xác định du lịch nội địa tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới của ngành. Trong đó, an toàn sẽ là yếu tố quan trọng tiên quyết trong việc mở cửa nội địa và sau này là du lịch quốc tế. Để an toàn, có 4 yếu tố quan trọng, là vaccine, 5K, công nghệ và truyền thông. 4 nội dung này phải chạy song song với nhau để bảo đảm cho việc an toàn.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tập trung sớm đưa quỹ vào hoạt động. Đồng thời đẩy mạnh các nội dung liên quan tới quảng bá, xúc tiến, truyền thông để phục hồi, khôi phục và kích hoạt lại hoạt động du lịch trong nước và quốc tế./.

H.Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực