Đưa công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững

Thứ sáu, 09/07/2021 20:55
(ĐCSVN) – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau các tọa đàm, hội nghị tham vấn ý kiến các nhóm đối tượng nhằm làm rõ tiềm năng, thế mạnh, tiếp thu bài học, kinh nghiệm…, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại nội dung các dự thảo, bảo đảm yêu cầu toàn diện, bao quát, có điểm nhấn và nhất là phải có tính khả thi để đưa công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững...
Quang cảnh tọa đàm. 

Ngày 9/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp".

Cuộc tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện do Thành ủy Hà Nội tổ chức nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết: Tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại...

Trong tháng 6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức thành công 2 cuộc tọa đàm với nội dung "Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp" và nhận được nhiều ý kiến tham vấn, đóng góp tích cực từ các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa cũng như những sáng kiến góp ý, hiến kế các ý tưởng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo địa bàn Thủ đô.

 Đây là buổi tọa đàm thứ 3 với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ trực tiếp, những sáng kiến tham vấn tâm huyết và trách nhiệm để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thành phố; Các quận, huyện, thị ủy; Ban quản lý một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội - là những đơn vị sẽ trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành.

Tọa đàm thu hút trên 40 ý kiến đóng góp vào nội dung của dự thảo Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", hướng tới mục tiêu từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội "có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế…".

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi, khó khăn và thách thức, đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp; kiến nghị cơ chế, chính sách tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô phát triển.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận tại tọa đàm.

Các đại biểu cũng kiến nghị thành phố tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa; có cơ chế, chính sách về kích cầu, phát triển thị trường theo hướng xuất khẩu; đầu tư cho giáo dục sáng tạo để hình thành lớp công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo…

Kết luận tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội có tiềm năng, thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, được lựa chọn là chương trình công tác riêng liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ. Để nhiệm vụ này thu được kết quả nổi bật, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau các tọa đàm, hội nghị tham vấn ý kiến các nhóm đối tượng nhằm làm rõ tiềm năng, thế mạnh, tiếp thu bài học, kinh nghiệm…, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại nội dung các dự thảo, bảo đảm yêu cầu toàn diện, bao quát, có điểm nhấn và nhất là phải có tính khả thi để đưa công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững.

Nhấn mạnh con người là chủ thể sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xác định Nghị quyết là căn cứ gợi mở để các quận, huyện, thị xã chủ động các dự kiến, xây dựng sớm những định hướng, dự án, đề án, trong đó, tập trung rà soát ngay các quy hoạch tổng thể về văn hoá trên địa bàn; quan tâm bố trí đầu tư công cho các dự án trong lĩnh vực văn hoá…/.

Tin, ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực