Đường hoa Nguyễn Huệ xuân Canh Dần 2010: Hướng về thủ đô ngàn năm tuổi

Thứ tư, 13/01/2010 16:39
New Page 1
  
      Đại cảnh đầu tiên của đường hoa 2010 là đôi hổ.  

Nếu như Xuân Kỷ Sửu 2009, khách du xuân thích thú cùng Cung đàn mùa xuân thì năm nay Sóng hoa Bình Minh và Bình minh Tây Nguyên cũng góp phần tạo nên sự đặc sắc cho đường hoa 2010. Những chú hổ - linh vật của năm được thiết kế bằng nhiều hình thức và chất liệu như: sử dụng nghệ thuật tách lớp thể hiện chú hổ với chất liệu đa dạng như: gỗ, inox, rơm rạ, vỏ cây và cừ tràm.

Nổi tiếng trong tranh dân gian và những chiếc tem xưa là hình ảnh Ngũ hổ tượng trưng cho ngũ hành và hình ảnh “ông Ba mươi” oai hùm ở làng quê xưa. Đơn vị thiết kế đã tạo nên những lối đi trên cao kết hợp với những trụ đèn làm bằng vải bố in hình ngũ hổ, tạo nên không gian và hình ảnh lễ hội truyền thống trong không gian hiện đại.

Với chủ đề Xuân Bình Minh, các tác giả đường hoa Nguyễn Huệ TPHCM đã đem hơi thở mùa xuân ấm áp của phương Nam đến với thủ đô Hà Nội những ngày đầu năm Canh Dần, năm mà trái tim cả nước bước vào đại lễ Ngàn năm tuổi. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp nhóm tác giả KTS Phạm Thị Ái Thủy, KTS Vũ Việt Anh và cộng sự đến từ Trường ĐH Kiến trúc TPHCM đoạt giải nhất và được UBNDTP chọn thiết kế chính thức đường hoa đặc trưng của TP dịp Xuân về. Với 6 đoạn phân cảnh, các tác giả dẫn dắt người xem thưởng ngoạn nhiều ngạc nhiên của mùa xuân, quê hương cũng như sức mạnh kết đoàn trong 1 năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc.

Khu vực tượng đài Bác Hồ: Vầng Thái dương bừng sáng. Nằm ngay trước trụ sở UBND TPHCM, các tác giả muốn người xem đến với một không gian đối thoại với ký ức, hình ảnh của Bác, vị cha già dân tộc như vầng thái dương tỏa sáng. Ngoài những cành mai vàng khoe sắc tượng trưng cho tình cảm tôn kính của người dân TP và cả miền Nam dâng lên Người, năm nay, khu vực này được bố trí thêm tiểu cảnh “Sắc xuân” với hàng trăm nhánh lan Monkara vàng khoe sắc rực rỡ. Tông màu chủ đạo vẫn là sắc vàng - đỏ với bố cục vuông tròn tượng trưng cho hình ảnh bánh chưng, bánh dày truyền thống đồng thời làm tôn lên vẻ uy nghiêm và dung dị của Bác Hồ - một vầng dương cùng sắc vàng của những gốc mai quý mang mong ước một năm mới vuông tròn, mỹ mãn, hạnh phúc và thành công.

“Mở đầu là hình ảnh những chiếc trống đồng và hoa; kết đoạn cuối cùng là hình ảnh sóng hoa Hướng về Thăng Long. Hình ảnh rồng ở đây được thiết kế không phải là một hình ảnh tả thực mà là sự gợi tả những đường cong nhấp nhô cùng quả châu khổng lồ. Đầu tiên là mong muốn những màu sắc tươi mới cho đường hoa Nguyễn Huệ 2010, thứ hai là hình ảnh của những đợt sóng nhỏ lớn dần như những con sóng uốn mình vươn ra biển lớn, gợi hình ảnh con rồng dài 45m đang căng mình vươn viên ngọc lớn như cầu chúc sự an lành và thành công trong một năm mới đầy cơ hội và thử thách” - KTS Phạm Thị Ái Thủy, Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, Chủ nhiệm đồ án, nói.

Tiếp đến, đoạn từ vòng xoay cây liễu đến đường Mạc Thị Bưởi có chủ đề là Xuân yêu thương. Đại cảnh đầu tiên là đôi hổ với mong muốn hình ảnh đôi lứa là nguồn hạnh phúc năm mới vạn sự như ý, phúc lộc tràn đầy. Bên cạnh đó, tư thế của chúa sơn lâm cũng thể hiện tính chất dũng mãnh của linh vật. Đôi hổ được thiết kế với chất liệu sơn mài, việc sử dụng chất liệu này không chỉ mong muốn diễn tả chất liệu, vóc dáng đặc trưng của loài hổ mà còn thể hiện một trong những nét tài hoa của nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Trong không gian của đoạn này, các chất liệu được sử dụng nhiều nhất là tre, gỗ, cây đước, tầm vông, đá (những chất liệu tự nhiên) với những tiểu cảnh như: tre xoay, gùi hoa, kén hoa, rừng đước và hoa… sẽ mang lại cho khách du xuân cảm giác mới mẻ và gần gũi thiên nhiên. Đặc biệt, tết năm nay, ngày mùng Một trùng với ngày lễ Tình yêu (14-2), chính vì vậy, đường hoa cũng xuất hiện các tiểu cảnh mang tình yêu đôi lứa như trái tim khổng lồ, đôi giày hoa hay hoa hồng xuân… Những tiểu cảnh này được xử lý với kích thước lớn giúp cho du khách dễ dàng trong việc chụp ảnh lưu niệm.

Sau chủ đề Bình minh tụ hội ở khu vực quanh bùng binh đồng hồ với đại cảnh lớn sẽ là khối gương lớn tạo nên cảm giác sự nhân đôi về không gian, về những màu hoa sặc sỡ và cả những du khách khi đi qua khu vực này. Đoạn mang chủ đề Sức mạnh đoàn kết từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Hải Triều được mở đầu bằng tiểu cảnh đồi hoa khổng lồ. Với sự thử nghiệm về hoa khổng lồ năm 2009, năm 2010, du khách sẽ tiếp tục thưởng thức thêm sự khéo léo của các nghệ nhân khi tạo nên những bông hoa khổng lồ bằng những chất liệu quen thuộc, những chất liệu truyền thống kết hợp chất liệu hiện đại được đơn vị thiết kế tích cực sử dụng trong phân đoạn này như: inox, mica, gốm và đá...

Ở đoạn cảnh thứ tư, Góc quê hương đưa người xem gặp lại những không gian xanh mướt của những cánh cò, những ô ruộng xanh ngắt, những đồi rơm vàng óng và cả những chiếc gùi bắp nặng trĩu. Năm nay, hình ảnh vùng thôn quê của ký ức được thiết kế khác hơn với guồng hoa khổng lồ, những chiếc gùi kết bằng trái bắp và cả những đồi cơm lam. Sự truyền tải của đường hoa không chỉ là sắc hoa rực rỡ đón xuân về, những thiết kế vật thể tinh xảo, sự tài hoa của những nghệ nhân tham gia thể hiện mà còn là sự tuyên truyền về nền văn hóa ẩm thực đa dạng của đất nước ta, ý tưởng cơm lam và hoa xuất phát từ đó.

Đặc biệt, cùng với cả nước hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các tác giả đã khéo léo sắp đặt ở cuối đường hoa chủ đề Hướng về Thăng Long với những cung bậc tình cảm khác lạ. Đó là sự rộn rã của tình yêu thương, cùng nhau tụ hội về thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của cả dân tộc, cùng ôn lại những kỷ niệm và nhắc nhở con cháu về nguồn gốc cha ông. Đoạn thiết kế với chủ đề Hướng về Thăng Long như một sự chung vui niềm vui lớn của dân tộc, cầu chúc thủ đô Hà Nội 1.000 năm tuổi với sức sống mới, thành công mới và thắng lợi mới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực