Góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Thứ hai, 09/03/2020 12:01
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhiều trường học của tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của học sinh.
 Hoạt động ngoại khóa gắn với gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống luôn thu hút các em học sinh tham gia. Ảnh: Dương Liễu

Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có hơn 80% học sinh là con em các dân tộc Mường, Thái. Tại đây, ngoài dạy học các chương trình chính khóa, nhà trường còn hướng cho học sinh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình qua các buổi hoạt động ngoại khóa và lồng ghép tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian để các em được hòa mình vào không gian văn hóa các dân tộc. Ngoài ra, vào các ngày lễ lớn của đất nước, Ban Giám hiệu còn chỉ đạo Đoàn trường tổ chức các hội thi, các hoạt động gắn với bản sắc văn hóa truyền thống như đánh cồng chiêng, diễn xướng những làn điệu dân ca, thi trình diễn trang phục các dân tộc Mường, Thái...

Em Bùi Thị Thu Hà, học sinh Trường THPT Đoàn Kết chia sẻ: “Thông qua các nội dung hoạt động tại trường, chúng em đã hiểu nhiều hơn về truyền thống dân tộc mình; về những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục, tiếng nói, phong tục, tập quán.... để từ đó thêm tự hào về dân tộc mình, tự hào về mảnh đất nơi mình đã được sinh ra và lớn lên”.

Được biết, với chủ trương gắn giáo dục, đào tạo với gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hiện nay tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Hòa Bình, nhất là ở các trường dân tộc nội trú đều quy định vào thứ 2 hàng tuần và các ngày lễ lớn trong năm, học sinh phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Đồng thời, lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Đó là truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Mường, Thái; văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc... Nội dung chương trình giáo dục được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...

Các thầy, cô giáo được phân công nhiệm vụ truyền dạy văn hóa cũng tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn, từ đó có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh bảo đảm phong phú, chính xác, sinh động. Cách làm này đã góp phần bồi dưỡng ở các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước; giúp các em có hiểu biết đầy đủ về những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình, từ đó tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

 Một tiết mục trong hoạt động ngoại khóa do Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tổ chức. Ảnh: TH

Các hội thi tìm hiểu về văn hóa truyền thống cũng được ngành Giáo dục tổ chức qua đó vừa tạo cho học sinh sân chơi bổ ích, lành mạnh vừa trực tiếp khơi gợi ở các em ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Nổi bật là Hội thi “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình” cho học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Tân Lạc do Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức. Đây là hoạt động được tổ chức thường xuyên giữa các cụm trường THPT với mục đích đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, cơ hội học tập, mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng sống, trải nghiệm cho các em học sinh đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc. Giúp các em có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đặc biệt, việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc tại các trường học ở Hòa Bình không chỉ được thực hiện thông qua những hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn gắn với nhiều hình thức phong phú khác. Tại một số trường học, các giáo viên đã bố trí khu vực trưng bày hiện vật dân tộc Mường, Thái... với những sản phẩm văn hoá đặc trưng như trang phục, trang sức, vật dụng sinh hoạt, chiêng… để các em học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong các dịp lễ hội.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Giaó dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình, các nhà trường luôn quan tâm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong việc giáo dục cho học sinh về những giá trị văn hóa dân tộc, tình yêu, lòng tự hào, tự tôn với bản sắc văn hóa truyền thống. Vai trò của Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên dạy bộ môn và tổ chức Đoàn đã thường xuyên được phát huy trong việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, rèn kỹ năng sống. Nội dung các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Thái... được tổ chức thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của từng nhà trường.

Đặt trong bối cảnh giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, trước những tác động ngày càng lớn từ các luồng văn hóa “xấu, độc”, việc gắn công tác giáo dục, đào tạo với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Hòa Bình thực sự là một cách làm sáng tạo, hiệu quả. Thực tế cho thấy, sự phát triển của xã hội chỉ bền vững trên cơ sở hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Gắn giáo dục, đào tạo với giữ gìn, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa là điều kiện để xây dựng, bồi dưỡng một thế hệ công dân mới vừa có tri thức, kiến thức đồng thời vừa biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, của đất nước; đó cũng là cơ sở để Hòa Bình xây dựng nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực