“Khoảng lặng” sau 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Thứ sáu, 09/12/2022 15:43
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), 50 năm trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973 - 2023), sáng 7/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng”.

Trưng bày gợi nhớ về khoảng lặng sau các trận bom rải thảm, sau các trận đánh khốc liệt và những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sĩ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972; khoảng lặng sau bức tường đá “Hilton - Hà Nội”, nơi phi công Mỹ suy nghĩ về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam; khoảng lặng sau 50 năm, những cựu binh Mỹ quay trở lại thăm chiến trường xưa và thăm “Hilton - Hà Nội”.

Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: "Những ngày đỏ lửa" và "Sau bức tường đá". Ở nội dung thứ nhất “Những ngày đỏ lửa”, là những hình ảnh về quãng thời gian cuối tháng 12/1972, trong “vòng cung lửa” của các loại vũ khí hiện đại, cả bầu trời miền Bắc rung chuyển, nhuốm màu chớp đạn - màu của tang tóc, chia ly. Từng ngôi nhà, dãy phố Hà Nội, Hải Phòng phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52, khiến cho “đất rung, ngói tan, gạch nát”.

Các đại biểu tham quan trưng bày. 

Nhưng với niềm tin chiến thắng, quân dân Hà Nội, Hải Phòng đã nhanh chóng thích ứng cuộc sống, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Bằng sự dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, bộ đội ra-đa “Vạch nhiễu tìm thù”, bộ đội phòng không không quân như “Rồng lửa”, “Én bạc” xuất kích đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, góp phần quyết định làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của thế kỷ XX.

Ở nội dung thứ 2 “Sau bức tường đá”, là những hình ảnh trong quãng thời gian năm 1964 – 1973. Nhà tù Hỏa Lò lúc này được gọi là Trại giam Hỏa Lò, dùng để giam phi công, nhân viên kỹ thuật trên máy bay của lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ bị bắt trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Sau bức tường đá “Hilton - Hà Nội” phi công Mỹ có thời gian lắng lại để hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam. Từng lá thư gửi về gia đình, từng nét bút trong các bức tranh đều thể hiện chân thực cuộc sống của phi công Mỹ trong Trại giam Hoả Lò.

Hoạt cảnh tái hiện công tác chuẩn bị khẩn trương của nhân dân miền Bắc khi đi sơ tán. 

Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, toàn bộ phi công Mỹ giam tại các trại giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về Trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Mỹ.

Cựu chiến binh Robert Chenoweth chia sẻ: “Trước ngày trao trả, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị một số quà lưu niệm như: điếu cày, tranh phong cảnh Hà Nội, quạt nan, nón, dép cao su… để tặng chúng tôi. Riêng tôi, mong muốn được nhận Lá cờ của Việt Nam, vì với tôi Lá cờ là biểu tượng đặc biệt của dân tộc các bạn. Lá cờ giúp tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ, bảo vệ độc lập của những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất. Chính các bạn đã cho tôi thấy cái nhìn khác về cuộc chiến ở Việt Nam, để tôi biết đâu là lẽ phải”.

Tại Sân bay Gia Lâm, Chính phủ Việt Nam đã trao trả cho Chính phủ Mỹ 591 phi công; với tổng cộng có 54 chuyến bay về căn cứ Không quân của Mỹ ở Philippines, sau đó trở về Mỹ. Những gương mặt vui mừng, những giọt nước mắt hạnh phúc khi được trở về trong vòng tay người thân đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong tâm thức của mỗi người lính trở về sau cuộc chiến.

Trân trọng giá trị hòa bình, Chính phủ hai nước đã và đang nỗ lực tìm kiếm hài cốt những người lính đã hy sinh trong chiến tranh. Những cuộc “trở về” này tuy không thật trọn vẹn, nhưng đã phần nào hàn gắn, xoa dịu những nỗi buồn thời chiến. Cùng với chính phủ, cựu chiến binh hai nước đang nỗ lực hàn gắn vết thương. Các cựu binh phi công Mỹ đã trở lại Việt Nam để tìm về ký ức không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình và Hỏa Lò chính là một phần trong ký ức đó.

Một số bức tranh trong bộ: “ODYSSEY, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye”, được Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman vẽ trong thời gian giam tại Trại giam Hỏa Lò, năm 1970. 

Trong không gian trưng bày chuyên đề, những tổ hợp trưng bày đã phần nào tái hiện lại giai đoạn lịch sử những năm 1964 - 1973 tại miền Bắc Việt Nam, với hệ thống đường giao thông hào để người dân thuận tiện di chuyển, ẩn nấp khi có báo động phòng không; chiếc kẻng làm từ vỏ bom, báo động cho người dân khẩn trương vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch tấn công; hố tránh bom cá nhân còn gọi là hầm cá nhân, “hầm tăng xê” trên đường phố, với những chiếc nắp làm bê tông cốt thép hoặc bện bằng rơm. Tấm rơm đậy nắp hầm thường được gọi là “con dúi”. Bên cạnh còn có những chiếc mũ bện từ rơm để tránh bom bi.

Tại Lễ ra mắt trưng bày, các đại biểu đã cùng tham gia trải nghiệm chui hào giao thông khi có báo động phòng không; xem hoạt cảnh tái hiện công tác chuẩn bị khẩn trương của nhân dân miền Bắc khi đi sơ tán, cùng sự thích ứng khi vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong hoàn cảnh chiến tranh.

Đặc biệt, lần đầu tiên giới thiệu tới du khách một số bức tranh trong bộ: “ODYSSEY, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye”, được Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman vẽ trong thời gian giam tại Trại giam Hỏa Lò, năm 1970, giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của phi công Mỹ trong “Hilton – Hà Nội”.

Bên cạnh đó, tại lễ ra mắt trưng bày, các đại biểu đã được gặp gỡ các cựu tù chính trị từng bị bắt giam trong các Nhà tù thực dân, đế quốc; các cựu cán bộ làm công tác quản giáo, chăm sóc phi công Mỹ tại Trại giam Hoả Lò; cùng nhiều đại biểu, khách quý có nhiều đóng góp trong việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sau chiến tranh.

Trưng bày còn giới thiệu tới du khách nhiều hiện vật giá trị của các phi công Mỹ tại Trại giam Hoả Lò và khi được trao trả về nước năm 1973. Trong đó có huy hiệu Bác Hồ của phi công Nguyễn Văn Cốc được trao tặng khi bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967; Máy đo huyết áp, ống nghe của ông Đỗ Doãn Đại - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng để khám bệnh cho người dân và các nạn nhân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội, năm 1972; Thư, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber viết gửi con trai trong thời gian ở Trại giam Fafilm đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhân dịp Giáng sinh, năm 1970; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, Quản giáo Trại giam Hỏa Lò sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973.../.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực