Kịch bản nào cho du lịch sau đại dịch lần thứ 4?

Thứ tư, 08/09/2021 16:36
(ĐCSVN) - Là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 4 lần dịch bùng phát, du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước đang rất cần một kịch bản hồi sinh sau “cơn bĩ cực” lần thứ 4 của đại dịch.
 Để bình thường hóa lại các hoạt động, du lịch đang rất cần một kịch bản sau đại dịch COVID-19 lần thứ 4 (Ảnh: TT)

Du lịch đã thực sự chạm đáy

Sau các đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4 đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, du lịch có lẽ đã thực sự chạm đáy khi không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu. Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Những tưởng du lịch bắt đầu có hy vọng, có thể lấy đà hoạt động trở lại sau đợt dịch bùng phát lần thứ 3 được khống chế thì cơn “siêu bão” thứ tư của đại dịch COVID-19 đã bất ngờ ập tới dập tắt mọi hy vọng mới le lói của những người làm du lịch Việt Nam. Diễn biến phức tạp, kéo dài, xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, có thể nói đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 thực sự là một đòn chí mạng làm cho du lịch trong nước vốn đang lao đao thực sự bị đốn gục. Chính vì vậy kịch bản nào sẽ cứu cánh cho ngành công nghiệp không khói này, đang là câu hỏi nhức nhối đối với các chuyên gia và nhà quản lý.

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm du lịch chuẩn bị đón mùa cao điểm (tháng 4) đã khiến cho ngành công nghiệp không khói một lần nữa lao đao và thực sự tụt dốc khi các chỉ số tăng trưởng đang chạm đáy, gần như bằng 0. Ở thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đang phải đóng cửa chống dịch; nhiều doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh; các nhà hàng, khách sạn nguội lạnh; xe du lịch nằm bãi.... du lịch đang kêu cứu khẩn thiết đó chính là thực trạng u ám, đáng báo động của du lịch hiện nay.

Không chỉ có Việt Nam mà có lẽ đây là tình trạng chung của du lịch hầu hết các quốc gia trên thế giới trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD. Song trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ du lịch vì COVID-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Du lịch toàn cầu, ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều phải chịu tác động khủng khiếp của đại dịch, ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60- 80%. Ở Việt Nam tại thời điểm này du lịch quốc tế hầu như hoàn toàn “đóng băng”, du lịch nội địa có rục rịch ở những “vùng xanh” nhưng không đáng kể.

Theo thống kê Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa sụt giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có thời điểm thấp hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2021 khi dịch COVID-19 ở trong nước được kiểm soát, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm, cũng như so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng từ cuối tháng 4/2021 dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa nhanh chóng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp đến tận thời điểm này. Dữ liệu này cũng phù hợp với thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa, cụ thể trong tháng 4/2021, khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, thì đến tháng 5 giảm xuống còn 3,5 triệu lượt, tháng 6 là 1,5 triệu lượt và tháng 7 chỉ có 0,5 triệu lượt.

Nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 4/2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng 5 chỉ còn 1,8 triệu lượt, tháng 6 còn 0,9 triệu lượt và tháng 7 chỉ là 0,3 triệu lượt. Tháng 8, tháng 9 du lịch còn thảm hại hơn nữa, các chỉ số có thể sẽ trở về 0, du lịch đã thực sự chạm đỉnh đáy. Bởi trong thời điểm này những trung tâm du lịch lớn là Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đều áp dụng chỉ thị 15, 16 của Chính phủ để đảm bảo phòng chống dịch, du lịch hầu như tê liệt hoàn toàn. Và theo dự báo tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành trong nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn kéo dài hết năm nay, thậm chí sang các năm tiếp theo, vì thế hy vọng về một ngày kia du lịch nội địa sẽ lại “cất cánh” là một điều vô cùng xa vời. Bởi sau 4 đòn chí mạng của dịch COVID-19 hầu như tiềm lực của các công ty lữ hành đã cạn kiệt, nhiều công ty công bố phá sản không còn sức gượng dậy để phục hồi. Các chuyên gia cũng cho rằng dịch bệnh kéo dài, khiến cho hàng loạt người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, phải chật vật mưu sinh, khi hết dịch các cơ quan, xí nghiệp, công ty, hộ gia đình.... sẽ đều tập trung vào làm kinh tế và thắt chặt chi tiêu. Vì thế cơ hội cho du lịch hồi sinh sẽ là rất khó khăn. Thậm chí sau dịch sẽ còn đặt du lịch vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại giữa các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn. Đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại ngành, thanh lọc những công ty, đơn vị làm ăn chụp giựt, tạo điều kiện để những công ty du lịch sạch khẳng định thương hiệu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tại thời điểm này du lịch trong nước dường như đều bị "đóng băng" bởi dịch COVID-19 đang hoành hành (Ảnh: TT) 

Kịch bản nào để du lịch “cất cánh”?

Hy vọng vào sự hồi sinh của du lịch trong ngày một ngày hai ngay sau khi dịch bệnh được khống chế theo kiểu “công tắc điện”, nghĩa là hết dịch thì mở, có dịch thì đóng như các đợt trước là điều vô cùng khó khăn, thậm chí không tưởng. Bởi các chuyên gia đã khẳng định, trong đợt dịch lần thứ 4 này để dịch hoàn toàn chấm dứt, bình thường hóa lại cuộc sống cho người dân sẽ còn lâu dài. Trước mắt chúng ta phải xây dựng kịch bản sống chung với COVID-19. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực đặc biệt là châu Á - thị trường du lịch trọng điểm hàng đầu của Việt Nam hiện nay cũng đang có số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới. Lúc này các nước đều áp dụng lệnh hạn chế bay, vì vậy mong muốn bình thường hóa lại các hoạt động du lịch quốc tế là điều vô cùng khó khăn ngay cả khi chúng ta áp dụng “hộ chiếu vắc xin”. So với du lịch quốc tế, du lịch nội địa có khả thi hơn sau khi dịch được khống chế nhưng để du lịch nội địa có thể “cất cánh” sau đại dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng không phải đơn giản. Các dự báo hiện nay đều khẳng định, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau COVID-19, so với những cuộc khủng hoảng trước. Ở thời điểm hiện tại các ca mắc COVID-19 ở trong nước cũng như quốc tế vẫn không ngừng tăng lên vì thế ngành du lịch cần bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch thực sự hiệu quả để phục hồi nền công nghiệp không khói. 

Trước những khó khăn sau đại dịch, nếu các công ty lữ hành thực sự muốn hút khách chắc chắn sẽ phải đi những bước đi thận trọng, thậm chí không màng tới lợi nhuận để hút khách. Bài toán giảm chi phí giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các tour du lịch chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp kích cầu hàng đầu để du lịch hồi sinh.

Để đón đầu các xu hướng du lịch mới, để được sống với những đam mê, nhiều công ty du lịch sau dịch không màng đến lợi nhuận sẵn sàng giảm giá thành, đảm bảo chất lượng dịch vụ nhưng rõ ràng về lâu về dài đây không phải là cách giúp các công ty có thể trụ vững, bởi nguồn lực của các công ty cũng chỉ có hạn. Chính vì vậy để chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi rõ ràng các công ty du lịch phải tính toán đến các chiến lược dài hơi. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, giá tour du lịch, dịch vụ du lịch hiện nay đã thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa nên khách du lịch cũng đừng quá quan tâm đến giảm giá, giá cả sẽ liên quan đến chất lượng, không thể nào có giá rất thấp mà dịch vụ rất tốt được. Tốt nhất là giữ chất lượng dịch vụ và các công ty du lịch sử dụng mức giá linh hoạt cho từng thời điểm.

Nhận định về những khuynh hướng đương đại trong du lịch và những xu hướng mới sau dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch đoàn sẽ bị hạn chế, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững,… sẽ lên ngôi. Những loại hình du lịch này sẽ thu hút du khách vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hoà mình với thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách. Nhất là lúc này, khi thế giới đang vật lộn và con người đang vô cùng mong manh trước dịch bệnh, việc giữ gìn môi trường lại càng cần thiết.

Qua những thử thách trong đại dịch, ngành du lịch cũng đã rút ra được những bài học đắt giá. Đó không chỉ là sự nhanh nhạy, thích ứng với môi trường luôn luôn biến đổi mà còn phải tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường khách nào vì người khổng lồ nào cũng bước đi bằng 2 chân. Bên cạnh đó ngành du lịch phải có quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thành cơ hội; liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Sự hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng để quản trị khủng hoảng và phục hồi nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng lòng tin với các bên liên quan.

Dẫu biết rằng tương lai phía trước của ngành du lịch vẫn còn rất mù mịt vì đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt, thế nhưng những người làm du lịch vẫn giữ niềm tin, nuôi hy vọng về những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh du lịch toàn cầu cũng như trong nước. Khoảng lặng giữa dịch bệnh hiện nay, những mất mát của ngành Du lịch lúc này là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để những người làm du lịch nhìn lại mình, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân để đón đầu sự trở lại mới của du lịch./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực