Làm gì để nâng cao vị thế, uy tín của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch?

Thứ tư, 14/07/2021 22:03
(ĐCSVN) - Làm thế nào để lấy lại và ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xã hội, từ đó khẳng định vai trò to lớn của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội?

 

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng  phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Minh Khánh- Báo Tổ quốc)

Đó là những trăn trở của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021, được tổ chức ngày 14/7/2021, tại Hà Nội bằng hình thức trực tuyến tới các điểm cầu ở các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở du lịch…. của các tỉnh thành trong cả nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở các vấn đề đặt ra trong Hội nghị như xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá, thể thao, du lịch; những khó khăn thách thức, những thuận lợi trong 6 tháng đầu năm để từ đó xác định những việc cần làm.

Bộ trưởng cho rằng, những người đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTTDL cần hiểu văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, đa dạng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thấy giá trị văn hoá, đặt văn hóa trong sự phát triển và văn hóa trong mối quan hệ chính trị, kinh tế. Với cách tiếp cận đó, xác định các yêu cầu đặt ra 6 tháng qua đã giải bài toán này như thế nào, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang ở vị trí nào?

Theo Bộ trưởng, những người làm công tác văn hóa cần hiểu rõ nội hàm, những luận điểm cơ bản đã được chỉ ra trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng yêu cầu Hội nghị đi vào những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang yêu cầu cần định hướng của Bộ: quản lý di sản; tạo môi trường văn hoá; làm gì để đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; và lấy lại vị thế, uy tín của ngành trong xã hội, để văn hóa thực sự là động lực của sự phát triển như Đảng ta đã khẳng định …

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đã trình bày Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới".Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã báo cáo những kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ trong 6 tháng đầu năm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ cũng đã phát biểu nêu lên những bất cập, cần sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL như vấn đề quy hoạch di sản tại địa phương đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Xây dựng; Quy định về đoàn nghệ thuật chuyên môn… và những định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch…ở Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
 Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ VHTTDL (Ảnh: HP)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hội nghị đã làm việc với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, đặc biệt, quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng: phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, từ đó, đi đến thống nhất những nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ VHTTDL trong 6 tháng đầu năm.

Hội nghị khẳng định, trong bức tranh thực hiện nhiệm vụ của Bộ trong 6 tháng đầu năm, có 5 điểm sáng. Đó là:

Thứ nhất, chức năng quản lý nhà nước của Bộ, của các Sở. Bước vào nhiệm kỳ mới, trách nhiệm của ngành là thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng các chính sách pháp luật của Nhà nước. 6 tháng đầu năm, chúng ta đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành, chủ động báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phân cấp quản lý, đề xuất sửa đổi. Trong đó chúng ta đã đạt được một số yêu cầu, đối với một số lĩnh vực mà Bộ phải có Luật để quản lý là hoàn thành Luật Điện ảnh, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Chọn 8 lĩnh vực để tiếp tục đề xuất, sửa đổi, bổ sung ban hành một số bộ luật như: nghệ thuật biểu diễn. Các nghị định đang bất cập cần đề xuất sửa đổi. Đáng mừng là, trong tổng thể đó, Chính phủ cho phép chúng ta nghiên cứu đề xuất một số lĩnh vực như: Nghị định về Chế độ chính sách cho nghệ sĩ… Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, thông qua nghệ thuật thực hiện vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng, giáo dục vẻ đẹp của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.

Thứ hai, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chủ động tham mưu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện theo hướng các kế hoạch chiến lược đều sát, đúng, đón nhận nhiều sự quan tâm của các cấp ủy đảng. Chiến lược văn hóa và chương trình phát triển du lịch đã nhận được sự đóng góp ý kiến của 63 tỉnh, thành đóng góp cho ngành. Đã phát huy được trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, ý kiến từ cơ sở để hoàn thiện và tạo ra sự kết nối để khi triển khai thuận lợi hơn, sát hơn. Tương tự, giám đốc các sở đã chỉ đạo ngành tại địa phương đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, chuyển biến rõ nét trong tư duy, tiếp cận lĩnh vực VHTTDL. Làm rõ hơn chức năng quản lý nhà nước, phân định rõ về vấn đề phát triển sự nghiệp, bắt đầu tập trung chỉ đạo theo hướng quyết liệt hơn. Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến không chỉ là khẩu hiệu của Bộ mà đã lan tỏa đến tất cả các ngành, các đơn vị để chúng ta tập trung thực hiện. Tập trung rà soát, phát hiện điểm nghẽn, tìm biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Tìm nguồn lực bên trong và bên ngoài, coi sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là nguồn lực quan trọng, to lớn để chúng ta thực hiện phát triển ngành.

Thứ tư, cùng với Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu kép. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống chính trị, chúng ta đã phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của toàn dân tộc, cùng chính phủ phòng chống dịch bệnh, giá trị cao đẹp về đoàn kết, sẻ chia, trách nhiệm một lần nữa được nhân lên, đó chính là sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc.

Thứ năm, trong công tác tham mưu, chúng ta đã từng bước có chất lượng, kịp thời hơn, đúng, trúng, sát hơn, nắm vấn đề chắc, tham mưu chuẩn. Các Sở đã tạo hình ảnh tốt, phát huy vai trò, vị thế của ngành ở địa phương. Từ đó thấy được sự kết nối liên thông, vai trò của Bộ với Sở, đồng hành để cùng nhau thực hiện.

Bộ trưởng mong toàn ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy 5 điểm sáng mà ngành đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm nhìn thẳng, nói đúng, Bộ trưởng chỉ ra 4 điểm còn "mờ" của ngành:

Thứ nhất là trong công tác tham mưu, chưa làm rõ được vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội, chưa lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa, trong toàn hệ thống chính trị. Chưa làm tốt vai trò chuyển nhận thức, nhận thức đúng, đủ, sâu sắc đối với ngành.

Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất của ngành còn yếu, thiếu; cá biệt, có tỉnh thành 3 thiết chế cơ bản đã quy định trong luật hiện nay vẫn chưa có khi yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tương xứng.

Thứ ba là việc chuyển hướng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật theo hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chúng ta đang áp dụng một cách cào bằng, bình quân chủ nghĩa, chưa thấy được tính chất đặc thù để trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng cơ chế, chính sách riêng.

Thứ tư là vấn đề nhân lực. Đội ngũ chưa đạt chuẩn, nhiều cấp chưa đồng bộ, vì vậy, tổ chức thực hiện khó khăn vì thiếu cán bộ; cần tìm kiếm, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Để khắc phục những “điểm mờ” của ngành, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, 6 tháng cuối năm toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ:

Thứ nhất, khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược văn hóa, Chương trình hành động phát triển du lịch trong 5 năm tới; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Công tác TDTT; Đề xuất Trung ương ban hành Chỉ thị mới và xây dựng Chiến lược Thể thao. Gắn với đó là ban hành một số nghị định để quản lý nhà nước, một số Thông tư trong chức năng, thẩm quyền của Bộ, làm tốt hơn nữa vai trò quản lý.

Thứ hai, phải chọn việc, chọn lĩnh vực mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực VHTTDL. Ba lĩnh vực có tác động qua lại mật thiết, hữu cơ, gắn bó. Vận dụng hình ảnh cỗ xe tam mã của ngành, chúng ta vận hành phải nhuần nhuyễn nhất, nhanh nhất, trong đó văn hóa là dây cương để kết nối cỗ xe, đưa cỗ xe vận hành nhuần nhuyễn nhất, nhanh nhất.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho cơ quan nghiên cứu, những người thực hành văn hóa phải làm rõ nội hàm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, nội hàm văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phải luận giải đúng, đủ, từng bước bổ sung, để nâng cao nhận thức cho tất cả các cấp, các ngành, để từ đó hiểu đúng văn hóa, thực hành văn hóa đúng, không chệch hướng. Trên cơ sở đó, trả lời trước Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước công luận về vấn đề văn hóa hiện nay có bị đứt gãy hay không?

Thứ ba, đặt hàng, làm rõ để từng bước xác lập bộ chỉ số đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển. Chỉ khi lượng hóa được công việc của mình bằng chỉ số này thì mới khẳng định được vị trí của ngành. "Chúng ta có giật mình khi chữ văn hóa bị biến mất trong các văn bản. Ngày trước là Báo cáo kinh tế, văn hóa, xã hội thì hiện nay chỉ có Báo cáo kinh tế, xã hội. Trong khi quan điểm của Đảng văn hóa đặt ngang hàng kinh tế, chính trị. Ai đã làm mất chữ văn hóa trong báo cáo đó? Lỗi là của chính chúng ta. Phải sửa sai"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ tư, phải xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện phát triển du lịch trong thời gian tới. Hiện nay, du lịch đối mặt với dịch bệnh phải cơ cấu lại thị trường du lịch, chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa, từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Số hóa trong du lịch phải được thực hiện nhanh nhất, quyết liệt nhất.

Thứ năm, phát triển thể thao theo hướng 1 trọng tâm, ba đề án, 2 đột phá.

Thứ sáu, văn hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành, phải chủ động phối hợp. Phải chọn việc, chọn điểm, chọn phương pháp trọng tâm.

Thứ bảy, tập trung xây dựng sức mạnh trong nội ngành mà sức mạnh chính là con người từ trung ương, đến xã phường, thị trấn. Luôn luôn đồng hành, tạo những véc tơ cùng chiều cổ vũ, động viên, khích lệ, phát hiện nhân tố mới để đào tạo, bồi dưỡng. Toàn ngành tổ chức riêng cuộc vận động về cán bộ ngành văn hóa học tập rèn luyện để xây dựng tấm gương sống văn hóa. "Đốt lên ngọn lửa hồng, đừng trách bóng đêm xung quanh, mỗi người lan tỏa một ngọn lửa hồng của điều tốt đẹp, từ đó lan tỏa ra những người xung quanh và toàn xã hội”.

HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực